Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa thôn Hạ (huyện Đan Phượng)

Sơn Dương (t/h) 13/09/2023 15:42

Chùa có tên chữ là Vĩnh Hưng tự, toạ lạc trung tâm của thôn Hạ. Trước đây thôn Hạ thuộc xã Hạ Trì, phủ Quốc Oai, sau tách ra và nhập với thôn Trung thành xã Liên Trung, huyện Đan Phượng. Ngôi chùa cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 18km. Du khách đi đến ngã tư Nhổn, rồi đi về phía Thượng Cát rẽ trái theo đề sông Hồng khoảng 4km là đến chùa.

Chùa thôn Hạ có kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường chùa là ngôi nhà 5 gian, tường hồi bít đốc, các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường bẩy hiên” đặt trên 4 hàng chân cột. Nghệ thuật trang trí trên các con rường, bẩy hiên, kẻ chủ yếu là hoa lá cách điệu và dây leo đơn giản. Toà Thượng điện 5 gian nối từ gian giữa toà Tiền đường tạo thành chuôi vồ, chủ yếu bào soi, đóng bén. Tại Thượng điện có 34 pho tượng, đa số làm bằng gỗ. Trong đó có một số pho tượng tạc khá đẹp, công phu như pho A Di Đà cao 155cm, đầu đội mũ thất phật, mình khoác áo cà sa, tay trái giơ ngang vai, hướng lòng bàn tay về phía trước, tay phải buông tự nhiên, lòng bàn tay cũng hướng về phía trước như vẫy gọi, dẫn dắt chúng sinh về nơi cực lạc. Hay pho Quan Thế Âm nhiều mắt nhiều tay cao 108cm, đặt trên toà sen, đỉnh nổi u nhục, nét mặt hiền từ đôn hậu, lại mang nét dịu dàng, tinh khiết khiến cho chúng sinh cảm nhận được sự gần gũi mà thiêng liêng. Tượng có 12 đôi tay, một đôi tay chắp trước ngực, đôi tay đặt ngửa trong lòng theo thế ấn quyết và 10 đôi tay kết theo các thế ấn khác nhau.

Chùa thôn Hạ còn lưu giữ khá nhiều đồ thờ tự quý như cây đèn, mâm bồng, lư hương, đài nến, 13 bức hoành phi, 12 đôi câu đối đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Ngoài ra, chùa còn giữ được 7 tấm bia đá, trong đó có 2 tấm thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843) và 5 tấm niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861). Những tấm bia đá này nói lên việc nhân dân trong thôn và khách thập phương đã hai lần hưng công tu bổ, tôn tạo lại ngôi chùa. Có một tấm bia nói lên việc hai giới các cụ góp tiền của xây dựng cây cầu đá ở bên chùa vào niên hiệu Vĩnh Khánh 1 (1729) thời Lê.

Ngoài khu Tam bảo, nhà Tổ gồm 7 gian cũng được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì được làm theo kiểu thức “chồng rường kẻ chuyền”. Bên trong khu nhà Tổ, trên các đầu bẩy chạm nổi lão trúc lão mai hoá rồng và hoa lá dây leo cách điệu. Trên các thanh xà, câu đầu, đấu kê cũng chạm nhiều nét uyển chuyển. Tất cả các công trình và cảnh quan phụ trợ đã đem lại cho ngôi chùa một nét duyên dáng riêng, thanh u và thâm nghiêm.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)