Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Thọ Cầu (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 13/09/2023 15:37

Chùa Thọ Cầu (chùa Đa Phúc) toạ lạc tại số nhà 19, ngõ 337, đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa nơi đây có tên nôm là làng Vòng về sau phiên âm ra là Vọng và có trạm dịch trên đường Thiên Lý từ Thăng Long đi xứ Đoài, từ đó đổi thành tên Dịch Vọng.

chua-tho-cau-cg.jpg
Chùa Thọ Cầu

Từ thời khởi dựng đến nay, chùa Đa Phúc đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng lớn nhất là vào năm Mậu Dần được ghi lại trên bia Đa Phúc kỷ niệm bi (Bia kỷ niệm chùa Đa Phúc): “Ôi! Bia là để ghi việc vậy, có công đức mà được khen tụng, cho nên khắc vào bia đá. Nghĩ thay! Chùa Đa Phúc thuộc giáp Vĩnh Thọ, thôn Dịch Vọng Trung, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Là ngôi chùa cổ, có thể sơn thuỷ hữu tình, long hổ châu đẹp. Cũng là một nơi danh lam thắng cảnh vậy. Nhưng hiềm một nỗi đã quá lâu ngày, nhìn vào rất khó coi cho nên ngày 11 tháng 10 năm Mậu Dần cụ trùm giáp Lê Văn Biền của giúp ta cùng các cụ Lê Văn Chi, Lê Văn Ninh, Lê Văn Túc cùng toàn giáp hợp cùng nhà sư trụ trì là Đào Phúc Tuệ vâng mệnh của sư tổ là Nguyễn Tất Đạt sửa sang lại chùa, tô lại tượng Phật. Tất cả đều thay lại cho mới...”. Hiện nay, dấu ấn của lần trùng tu lần cuối còn để lại trên thượng lương, toà Tiền đường dòng lạc khoản, niên hiệu Bảo Đại năm thứ 13 (1938). Từ lần sửa chữa này, quy mô kiến trúc chính của ngôi chùa gần như được giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

Chùa Thọ Cầu được toạ lạc trên một khu đất rộng, các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch trong một khoảng không gian thoáng đãng. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: cổng nhỏ, sân gạch, vườn cây xanh, hồ nước, nhà bia, gác chuông, toà Tam bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, giảng đường và vườn tháp.

Đáng quan tâm nhất trong nội thất của chùa, là hệ thống tượng Phật được sắp đặt cao dần tại nhà Thượng điện. Toàn bộ hệ thống tượng tròn của chùa, được tạo tác vào khoảng thế kỷ XIX, mang đầy đủ quy ước chuẩn của tượng Phật đương thời.

Chùa Thọ Cầu còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý như: Chuông đồng “Cầu Phúc tự chung” đúc năm Nhâm Dần niên hiệu Thành Thái. Bia đá niên hiệu Bảo Đại năm Kỷ Mão, có nội dung ghi việc công đức tu bổ chùa./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)