Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Tiên Linh (huyện Thanh Trì)

Sơn Dương (t/h) 13/09/2023 15:09

Chùa Tiên Linh thuộc xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 17km về phía nam.

chua-tien-linh-tt.jpg
Chùa Tiên Linh

Đây là một ngôi chùa có từ lâu đời (tương truyền từ thời Lý (đầu thế kỷ XI), nhưng đã bị thực dân Pháp phá huỷ trong những năm cuối cuộc chiến tranh (1946 - 1954). Sau hoà bình, nhân dân xã Vạn Phúc đã góp công sức, tiền của xây dựng lại trên nền chùa cũ.

Vạn Phúc là mảnh đất ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử.

Tại đây ngay cạnh chùa có đầm Thọ Vực còn gọi là đầm Vạn Xoan (cũng tức là Vạn Xuân) vẫn được coi là dấu tích địa danh kinh đô Vạn Xuân thời Lý Nam Đế - niên hiệu Thiên Đức (544 - 547). Ở khu vực này đã tìm được một số di vật có niên đại khảo cổ khoảng thế kỷ thứ VI, phù hợp với thời đại nước Vạn Xuân độc lập.

Truyền thuyết địa phương còn nói tới việc vua Lý cho đắp đẻ Cơ Xử lớn nhất thời đó. Để kỷ niệm sự kiện này, vua cho xây dựng chùa Tiên Linh ở dưới chân đê Vạn Phúc. Từ đó về sau, các vua nhà Lý thường về chùa cầu cúng.

Cũng tại đây vào những năm cuối của khởi nghĩa Lam Sơn, nghĩa quân tiến ra bao vây thành Đông Quan, Lê Lợi đã đóng đại bản doanh tại Vạn Phúc nơi có chùa Tiên Linh. Lê Lợi đã cho đắp con đê Vạn Xuân làm thành một chiến luỹ quan trọng trong chiến dịch giải phóng Đông Quan (1426 - 1427).

Vùng đất này cũng đã hai lần in dấu chân Nguyễn Huệ - Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn. Lần thứ nhất năm Bính Ngọ (1786) với chủ trương “phù Lê, diệt Trịnh” một trận giao chiến quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân chúa Trịnh đã diễn ra ở đây và thế lực nhà Trịnh đã bị đánh đổ. Mùa xuân Kỷ Dậu (1789), Quang Trung thần tốc tiến quân ra Bắc Hà.

Theo truyền thuyết, chính tại chùa Tiên Linh, Quang Trung đã đích thân kiểm tra phương án tác chiến trước khi mở trận đánh Ngọc Hồi.

Sau khi Hà Nội giành chính quyền thắng lợi (19/8/1945), Uỷ ban khởi nghĩa Vạn Phúc đã tổ chức mít tinh cạnh chùa Tiên Linh hưởng ứng Cách mạng tháng Tám và chứng kiến sự ra mắt của chính quyền cách mạng xã.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Vạn Phúc trở thành mảnh đất “bàn đạp” của các chiến sĩ biệt động khi tấn công quân địch ở nội thành, là chỉ huy sở và địa điểm liên lạc với Trung ương.

Chùa Tiên Linh toạ lạc trên một gò cao, địa thế đẹp, sát ven đô sông Hồng, nhìn về hướng tây nam, ngoài cùng là Tam quan mái chồng diêm với 2 tầng, 8 mái, hai bên là hai cột trụ.

Chùa chính được làm theo lối kiến trúc chữ “nhị” kiểu đầu hồi bít đốc; có Tiền đường, nhà Thiêu hương, Thượng điện, cấu trúc tổng thể, thống nhất.

Chùa Tiên Linh có nhiều pho tượng đẹp như bộ Tam thế, tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay, toà Cửu long... được tạo tác từ thế kỷ XVIII, XIX, đầu thế kỷ XX.

Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị nghệ thuật cao như khám thờ, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, bát hương bằng đồng, đặc biệt có chuông đồng “Tiên Linh tự chung” đúc năm Thành Thái thứ 8 - Bính Thân (1896).

Chùa Tiên Linh là nơi ghi dấu nhiều sự tích lịch sử lâu đời của đất nước, còn là di tích có thắng cảnh ít nơi có được.

Chùa Tiên Linh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)