Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Tiên Tích (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 13/09/2023 15:00

Chùa Tiên Tích toạ lạc ở phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

chua-tien-tich-hk.jpg
Chùa Tiên Tích

110 phố Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Cửa Nam - một địa danh có từ lâu đời ở Thăng Long. Năm 1010, khi Lý Thái Tổ định đô, xây thành Thăng Long, mở bốn cửa thông với bên ngoài, thì quan trọng nhất là cửa Đại Hưng ở phía nam. Qua cửa này, các quan ở kinh thành ngày ngày vào chầu vua, các quan ở trấn lộ vào kinh để bệ kiến, sứ thần các nước đến bang giao vào triều yết. Những nghi lễ quân tướng lên đường ra trận hoặc đón tiếp các chiến binh từ chiến trường về cũng diễn ra ở cửa này. Vị trí Cửa Nam thuận lợi cho việc ra vào Hoàng thành, đi lại ở kinh thành và từ miền Nam ra, nên phát triển nhanh chóng thành một khu vực sầm uất.

Trong mấy thế kỷ đầu của kinh thành Thăng Long, khu vực Cửa Nam được triều đình xây dựng nhiều công trình nổi tiếng, dinh thự các quan cũng mọc lên ở những vùng xung quanh khu vực này. Đến thời Hậu Lê, khu vực Cửa Nam nằm ở giữa một bên là Hoàng thành có cung điện vua Lê, một bên là phủ chúa Trịnh ở mé đông nam. Hoạt động văn hoá xã hội ở đây khá sôi động, được chứng minh bằng những công trình xây dựng, những địa danh còn ghi lại trong sử sách hoặc còn để lại ít nhiều những di tích. Chùa Tiên Tích là một trong số đó.

Về niên đại khởi dựng và tên gọi của ngôi chùa, có truyền thuyết cho rằng vào đời nhà Lý, một hoàng tử đi chơi bị lạc đường, được tiên đưa về cung, nên nhà vua sai dựng chùa để tạ ơn. Truyền thuyết khác lại kể, vào đầu đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), nhân vua đi chơi ở hồ Kim Âu, thấy có nàng tiên hiện ra gần hồ, ông bèn cho xây một ngôi chùa ở nơi tiên hiện, gọi là chùa Tiên Tích (vết tích người tiên). Kính Phủ - Nguyễn Án đã ghi chép tỉ mỉ về ngôi chùa này trong Tang thương ngẫu lục:

“Chùa Tiên Tích nằm ở phía nam kinh thành, đời chúa Trịnh có cho sửa chữa lại. Người ở kinh thành khuân tre, gỗ, vác xẻng cuốc, bôn tẩu ở đường sá mấy năm công việc mới xong. Chùa rộng lớn, nóc chồng cửa kép. San bày tám miếng đá vuông, cao chừng hai thước, trên bày những chậu lan, gió thổi hay hay, thơm đưa phưng phức. Chùa đằng sau dựa vào đường cái, đằng trước trông xuống một con ngòi nước trong. Cây tháp ở phía hữu cao chín tầng, bốn góc đeo chuông, trang sức bằng những nét vàng xanh rực rỡ. Từ đằng phía tây đi về phía nam vào đến chùa, đường đi quanh co đều lát đá cả. Con ngòi cừ ngoằn nghèo chảy qua một cái hồ. Hồ sâu mà rộng, nước rất trong, mùa hè hoa sen nở nhiều, mùi hương bay ra xa mấy dặm. Men bờ hồ vào đến bờ cừ, chỗ cây chỗ đá chen lẫn nhau. Phía trước chùa về phía tả, chỗ nước cừ chảy thông ra hồ có bắc cái cầu, dưới cầu, ghe thuyền đi lại được. Trên cầu dựng thành mái nhà, khắc vẩy rồng lên những tấm ván. Bên cạnh cầu mấy chục bước, phía nam cừ và phía bắc hồ, dựng một cái ly cung để làm chỗ vua chúa ngự chơi, trồng sáu, bảy cây muỗm, cây trắc và cây thông, cành lá chi chít đến nỗi ánh mặt trời không lọt xuống được. Dưới đất bày trâu đá, hươu đá mỗi thứ một con châu đầu vào nhau, chế tạo rất tinh tế và hoạt động”. Như vậy theo Nguyễn Án thì vị trí của Tiên Tích chính là khu vực Cửa Nam và Hoàng thành.

Những biến cố xảy ra trong những năm từ 1782 đến 1788 đã ảnh hưởng lớn đến diện mạo của kinh thành Thăng Long và nhất là khu vực Phủ chúa. Đó là loạn kiêu binh, hoả hoạn, cảnh đốt phá báo thù của Lê Chiêu Thống đối với dòng họ Trịnh và quan lại tay chân thân tín của nhà chúa; rồi đến nạn quân Thanh sang xâm lược, quân Tây Sơn thu phục Thăng Long và quân Nguyễn Ánh ra diệt Quang Toản. Trong bối cảnh đó, chùa Tiên Tích không tránh khỏi cảnh đốt cháy, phá huỷ, đến nỗi “khói mờ cỏ rậm, phất phơ ở trong ngọn gió thu, muốn tìm thấy một viên ngói vụn, một viên gạch tàn cũng không thể có được”. Dựa vào nội dung các bài văn trên bia đá và bài minh trên chuông chùa hiện còn thì di tích được dân làng khôi phục vào năm Minh Mạng thứ 33 (1835) và liên tiếp được sửa chữa, hoàn thiện vào các năm 1933 - 1934, để lại quy mô kiến trúc như hiện nay.

Nằm gần ga Hàng Cỏ, di tích mang biển số nhà 110 phố Lê Duẩn (đường Nam Bộ cũ), phường Cửa Nam. Các kiến trúc bộ phận của di tích được quy hoạch trong một mặt bằng khá rộng và liên hệ chặt chẽ, gắn kết với nhau tạo thành một không gian riêng biệt. Hiện tại, mặt bằng quy hoạch của kiến trúc này bao gồm: Tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu và khu phụ. Chùa Tiên Tích được trùng tu lớn trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI (2008 - 2009).

Đáng quan tâm nhất trong nội thất của chùa là hệ thống năm bệ thờ Phật được sắp xếp cao dần tại nhà thượng điện. Trên đó bài trí các pho tượng của Phật giáo. Hai bàn thờ Đức Ông và Thánh Tăng được bài trí ở hai bên tường hậu Tiền đường. Toàn bộ hệ thống trên 30 pho tượng tròn này được tác tỉ mỉ, công phu, mang tính nghệ thuật cao. Phần lớn, các pho tượng này đều được làm dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Chùa Tiên Tích là một trong những dấu tích quan trọng giúp các nhà nghiên cứu về vị trí Cửa Nam của Hoàng thành thời Lê - Trịnh.

Chùa Tiên Tích đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2004./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)