Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Thánh Chúa (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 13/09/2023 11:33

Chùa Thánh Chúa là tên tự của di tích và cũng là tên thường gọi của chùa. Trước đây chùa thuộc phường Quan Hoa, hiện nay chùa thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

chua-thanh-chua-cg.jpg
Chùa Thánh Chúa

Chùa xây dựng trên một gò đất cao, trước đây nhìn xuống cánh đồng vựa lúa của 6 xã Dịch Vọng, Mai Dịch, Mỹ Đình, Mễ Trì, Yên Hoà, Trung Hoà. Sau chùa có ba gò lớn gọi là gò Tam Thai, trước cửa chùa có giếng đất hình chữ khẩu và có lối ra đường Thiên Lý, từ kinh thành Thăng Long lên xứ Đoài Sơn Tây.

Căn cứ nguồn tư liệu thành văn còn lưu giữ tại chùa như văn bia, chuông, câu đối hoành phi và sách sử cho biết chùa có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lý và trở thành một danh lam thắng tích nổi tiếng ở phía tây kinh thành Thăng Long. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại: “Năm Quý Mão (1063) vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi chưa có con trai, sai chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh ra Thái tử Càn Đức là Lý Nhân Tông…”. Sau khi sinh Thái tử Càn Đức, Nguyên phi Ỷ Lan cấp tiền tu sửa lớn chùa Thánh Chúa. Hội chùa Thánh Chúa được tổ chức vào ngày 25 tháng giêng. Phần nghi lễ có dâng hương tưởng niệm bà Nguyên phi Ỷ Lan; phần hội có tổ chức hát mời trầu do người dân hai làng tự biên, tự diễn, đây là một tập tục mang tính đặc thù riêng của nhân dân vùng quê Mai Dịch, hát dân ca quan họ.

Chùa Thánh Chúa có quy mô bề thế với nhiều hạng mục công trình như: cổng Tam quan gác chuông, toà Tam bảo, nhà Tả - Hữu vu, điện thờ bà Nguyên phi Ỷ Lan, hai nhà Tổ thờ các vị sư tổ của chùa, một nhà Tổ của dân làng Dịch Vọng Hậu, một nhà Tổ của dân làng Mai Dịch. Đây cũng là nét đặc sắc độc đáo một chùa chung của hai xã.

Tòa Tam bảo có kết cấu kiểu chữ “đinh”: Nhà Tiền đường 7 gian xây trên nền cao hơn mặt sân 60cm, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, các vì kèo đỡ mái làm kiểu vì “giá chiêng, chồng rường”. Toà Thượng điện cao hơn tiền đường 70cm, 4 gian xây chạy dọc về phía sau một đầu ăn mộng với gian giữa nhà Tiền đường, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các bộ vì đỡ mái làm kiểu vì “giá chiêng chồng rường con nhị”. Hiện tượng một Thượng điện xây đắp gần như vuông tạo nền cao là dấu vết chùa khá cổ mà ta nghĩ tới đó là sản phẩm của chùa làng thời Lý đến thế kỷ XVI - XVII.

Chùa quay hướng tây nam, đây là hướng phổ biến trong kiến trúc chùa cổ của người Việt. Điện thờ bà Nguyên phi Ỷ Lan gồm ba gian kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta, ở vị trí bên trái phía trước nhà Tiền đường.

Hiện nay di tích còn lưu giữ nhiều di vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX như: Bộ tượng tròn 77 pho được sơn thếp lộng lẫy; hai quả chuông đồng đúc vào thời Nguyễn, thân chuông có khắc bài minh ghi tên những người dân bản xã và khách thập phương đã hưng công tiền của để đúc chuông, sửa chùa. Quả chuông lớn đúc năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) do Nguyễn Huy Trạc soạn văn chuông cho biết: “... Chùa xưa có chuông nhưng xẩy cơn binh hoả bất kỳ bị mất nên nhà chùa khuyến góp công của nhân dân và khách thập phương”.

Chùa Thánh Chúa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)