Tin tức

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận hiện vật quý từ Giáo sư người Nhật trao tặng

Thụy Phương 12/09/2023 18:46

Một cuốn sổ tập hợp các bài báo trích từ Nhật báo Asahi Shimbun về sự kiện 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam do Giáo sư người Nhật Murakami dày công sưu tầm và gìn giữ suốt gần 50 năm qua vừa được trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ tiếp nhận hiện vật đã được Bảo tàng tổ chức sáng ngày 12/9.

GS.TS Shunsuke Murakami là Giáo sư danh dự thuộc Đại học Senshu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội, Đại học Senshu (Nhật Bản). Từ khi còn là thiếu niên, những hình ảnh mà báo chí Nhật Bản đưa tin về chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã để lại cho GS. Murakami nhiều cảm xúc mãnh liệt.

Trở thành sinh viên Đại học trong giai đoạn cuộc chiến ở Việt Nam vẫn đang diễn ra khốc liệt, GS. Murakami đã từng xuống đường tham gia phong trào sinh viên phản chiến nhằm kêu gọi nền hòa bình, độc lập cho Việt Nam. Ông tiếp tục duy trì mối quan tâm đặc biệt đối với các diễn biến chiến tranh ở Việt Nam. Đặc biệt, các tin tức thời sự về sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với Giáo sư.

GS. Murakami đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1997 khi còn là nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội thuộc Đại học Senshu. Sau đó, ông đã đến Việt Nam nhiều lần trong vai trò Trưởng ban hoặc Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội. Đây là lần thứ 9 Giáo sư trở lại Việt Nam và tham dự Hội thảo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

z4686779151293_2fba6b491528171d68a1cd156ce5483e.jpg
GS.TS Shunsuke Murakami phát biểu tại lễ tiếp nhận hiện vật.

Tại lễ tiếp nhận hiện vật, GS. Murakami bày tỏ niềm vui và xúc động khi tham dự lễ tiếp nhận do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức. Ông cũng gửi lời cảm ơn những người đã giúp mình kết nối để hiện vật này đến được Bảo tàng.

Giáo sư Murakami chia sẻ, tất cả các bài viết trong sổ sưu tập báo chí mà mà ông trao tặng bảo tàng Báo chí Việt Nam đều là các bài báo đăng trên Nhật báo Asahi Shimbun - tờ báo thể hiện sự ủng hộ và dành nhiều thiện chí với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (còn gọi là Bắc Việt Nam) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bài báo này được phát hành năm 1975.

z4686756216244_f480de6df0557aa0faf0ad07b8fd4775.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam Rumani tiếp nhận hiện vật Giáo sư Murakami trao tặng.

Tại lễ tiếp nhận hiện vật, TS. Đặng Thị Việt Phương, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – người trực tiếp mang hiện vật về Việt Nam đã chia sẻ về cơ duyên cũng như hành trình đưa hiện vật đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Chị Phương cho hay, cách đây 5 năm khi sang Nhật Bản để làm nghiên cứu, chị đã có dịp tới thăm phòng làm việc của GS. Murakami và được nghe ông “khoe” về tập báo ông cắt về tình hình của các nước trong đó có Việt Nam. Nhìn thấy những hiện vật này chị đã vô cùng xúc động vì không thể tưởng tượng được một người xa lạ, chưa từng có mối liên hệ nào trước đó với Việt Nam lại có thể sưu tập, gìn giữ hiện vật lâu đến vậy.

“Biết Giáo sư sắp nghỉ hưu và cần sắp xếp lại các tài liệu để lưu giữ, nên tôi gửi email bày tỏ mong muốn xin ông tập báo cắt này nếu Giáo sư không muốn lưu giữ nữa. Khi không nhận được hồi đáp của ông, tôi đoán chắc ông vẫn “lưu luyến” và mong muốn giữ lại. Tuy vậy, tôi vẫn canh cánh trong lòng về tập báo này bởi tôi nghĩ đó là tư liệu hết sức quý giá đối với Việt Nam. Và mới đây khi tới Nhật công tác tôi lại gửi email cho ông thêm lần nữa, thật vui là lần này ông đã đồng ý. Khi nhận tập báo từ Giáo sư tôi đã hứa với ông sẽ cố gắng chuyển hiện vật này tới đúng nơi cần để tình cảm của ông cũng như chứng tích của lịch sử này sẽ được lưu giữ lâu hơn, được nhiều người biết đến hơn. Thật may mắn khi về nước, nhờ sự kết nối của báo Hànộimới tôi đã tìm được nơi gửi gắm hiện vật phù hợp nhất", TS Đặng Thị Việt Phương chia sẻ.

afa.jpg
TS. Đặng Thị Việt Phương trao tặng hoa cho đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam - đơn vị tiếp nhận hiện vật.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận hiện vật, nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn của Bảo tàng Báo chí Việt Nam bày tỏ sự trân trọng trước tình cảm mà GS. Murakami dành cho Việt Nam. Theo nhà báo Hà Minh Huệ, hiện vật mà GS Murakami là hiện vật của người nước ngoài đầu tiên hiền tặng cho Bảo tàng. “Hi vọng rằng, tại Bảo tàng, hiện vật mà GS. Murakami trao tặng sẽ được nhiều người biết đến và hiểu thêm về tình cảm của người nước ngoài đối với Việt Nam”, nhà báo Hà Minh Huệ nhấn mạnh.

123131.jpg
Tại buổi tiếp nhận hiện vật, Giáo sư Shunsuke Murakami được nghe giới thiệu về các nội dung trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Thay mặt Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng bày tỏ niềm vui, niềm xúc động khi được đón nhận hiện vật từ Giáo sư Shunsuke Murakami, đồng thời gửi lời cảm ơn đến GS. Murakami và những người đã kết nối để hiện vật đến được với Bảo tàng. Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: “Qua hiện vật của GS. Murakami có thể thấy rõ những đóng góp của báo chí quốc tế trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuốn sổ tập hợp các bài báo quý giá này góp phần làm phong phú thêm hiện vật của Bảo tàng - ngôi nhà di sản thiêng liêng của giới báo chí Việt Nam”. /.

Thụy Phương