Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa, đền, miếu, đình Sở Thượng (quận Hoàng Mai)

Sơn Dương (t/h) 11/09/2023 10:19

Cụm di tích chùa - đền - miếu - đình Sở Thượng thuộc làng Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai - Hà Nội.

chua-so-thuwong.jpg
Chùa Sở Thượng

Sở Thượng là một làng Việt cổ, nằm ở tả ngạn sông Hồng, phía nam kinh thành Thăng Long. Làng Sở Thượng hình thành vào cuối thế kỷ V, vốn là đất An Duyên, làng Yên Duyên. Vào đời Lê Thánh Tông (1460 - 1479), đất Sở Thượng là đồn điền, một vùng đất rộng nhiều ao hồ, sau phát triển thành làng mạc trù phú. Thời Lý, Trần, Lê làng Sở Thượng là địa bàn đóng quân và xây dựng lực lượng nghĩa quân của Linh Lang đại vương, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đại phá quân Thanh.

Từ xa xưa, chùa Hưng Phúc cùng với đình Sở Thượng (ở phía trước chùa) và đền, miếu (ở bên trái chùa) tạo thành một cụm di tích - thắng cảnh nổi danh trong vùng. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình làng bị phá để tiêu thổ kháng chiến; ngôi chùa, đền, miếu cũng bị hư hại khá nặng. Hiện nay, chùa đã được tu bổ và nâng cấp, đền và miếu cũng đã tu bổ, đình làng đã được xây dựng mới với quy mô bề thế.

Chùa Sở Thượng, có tên chữ là Hương Phúc tự, khởi nguồn tạo dựng khoảng thời Lê. Tồn tại đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Lần tu bổ lớn nhất được hoàn thành vào năm 2008.

Chùa Sở Thượng toạ lạc trên một khu đất cao trong khu vực trù phú của làng. Chùa quay hướng nam, với kiến trúc được bố cục hài hoà trong một không gian rộng, xung quanh có vườn cây ăn quả bốn mùa xanh tốt. Các công trình kiến trúc của chùa gồm: Cổng tam quan, chùa chính kết cấu chữ “đinh”, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà bia, khu vườn tháp...

Chùa chính gồm Tiền đường và Hậu cung.

Tượng Phật gồm 30 pho tượng tròn được tạo tác vào thế kỷ XVIII, XIX và XX. Chùa hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật quý như: hai quả chuông đồng có kích thước đường kính miệng 58cm, cao (cả quai) 1,06m, chuông đúc năm Đinh Tỵ (1797); một bộ đỉnh đồng thế kỷ XIX; một choé sứ men trắng vẽ lam, thân choé trang trí hình rồng mây và bốn đầu khỉ gần cổ chóe, phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; bát hương sứ men lam thuộc thế kỷ XIX.

Đền Sở Thượng còn có tên là “Kim Quyết linh”, toạ lạc trên một gò đất cao, phía sau là miếu Cốc. Khu đền, miếu nằm trên gò đất nối giữa một hồ nước rộng. Nối (với khu dân cư chùa - đình - đền - miếu phải đi theo con đường nhỏ có cây cầu đá dài 5,1m, rộng 2,4m, ba nhịp được tạo ghép bởi 12 phiến đá xanh hạt mịn và hai thanh cột dài tạo kiểu hình Rồng đỡ các phiến đá lớn. Cây cầu có niên đại thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII, XVIII.

Đền phụng thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Tam thánh Mẫu. Trong đền có 15 pho tượng tròn được tạo tác công phu thuộc nghệ thuật thế kỷ XIX, một bức hoành phi đề “Kim Quyết Linh từ” và nhiều đồ thờ tự khác.

Miếu Sở Thượng còn có tên là miếu Cốc, được xây kiểu chữ “đinh” gồm Tiền tế và Hậu cung, một công trình kiến trúc tuy nhỏ nhưng được bố cục theo kiểu dáng cổ truyền. Miếu Sở Thượng thờ Linh Lang đại vương. Tương truyền từ xưa mỗi năm mùa cá đến lại có hàng trăm đàn cốc từ các miền bay về đậu trên cây gạo cổ thụ và xà xuống đồng, ao hồ bắt cá, và sau đó ngôi miếu được dân làng Sở Thượng dựng lên thờ thánh Linh Lang thường gọi là miếu Cốc. Miếu Cốc được tu bổ lại những năm đầu thế kỷ XXI.

Đình Sở Thượng xưa là một công trình bề thế phía trước chùa Hưng Phúc. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, đình, đền, chùa, miếu Sở Thượng từng là cơ sở an toàn, bí mật của cán bộ Việt Minh, dân quân, du kích và bộ đội, là nơi bảo tồn kho quân lương phục vụ kháng chiến. Đình đã bị phá để tiêu thổ kháng chiến. Ban tu bổ di tích do ông Vũ Xuân Tròn phụ trách, đã đứng ra xây dựng lại ngôi đình 9 gian bề thế, bằng tiền đóng góp của dân làng và khách thập phương (đình khánh thành tháng 9 năm 2009).

Chùa, đền, miếu và đình Sở Thượng đã trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử. Cụm di tích tồn tại đến ngày nay tuy không còn bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc như xưa, nhưng được quan tâm của chính quyền địa phương, sư cụ trụ trì và những người dân tâm huyết, nên ngày nay các di tích đã được tu bổ và phục dựng khang trang, bề thế, bảo tồn được di sản văn hoá ở một vùng quê giàu truyền thống đang đô thị hoá.

Chùa Sở Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)