Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa So (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 11/09/2023 10:15

Chùa So thuộc thôn Thị Nội, xã Tân Hoà, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

chua-so-qo.jpg
Chùa So

Chùa có tên chữ là Lạc Lâm tự. Thời nhà Đinh vùng này gọi là Sơn Lộ trang (tên nôm gọi là Kẻ So). Trước Cách mạng tháng Tám (1945) xã Sơn Lộ thuộc tổng Tiên Lữ, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Sau cải cách ruộng đất (1956), Sơn Lộ chia làm 2, một phần thuộc về xã Cộng Hoà, một phần thuộc về xã Tân Hoà, nay thuộc Thành phố Hà Nội.

Chùa So cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía tây. Từ Hà Nội theo đường Nguyễn Trãi, qua Hà Đông theo đường tỉnh lộ 430 đi Quốc Oai, qua cầu sông Đáy lên tới dốc Cộng Hoà, rẽ trái theo đường liên huyện, qua trước cửa đình So, tới chợ So, rẽ tay phải lên núi Phượng Hoàng là tới di tích.

Chùa Lạc Lâm nằm trên núi Phượng Hoàng, thế tựa lưng vào núi. Theo bài minh trên tấm bia niên hiệu Thiệu Trị 6 (1846) ở chùa cho biết chùa được xây dựng từ trước thời Lý với quy mô nhỏ. Đến thế kỷ XVI, Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn hưng công trùng tu xây dựng quy mô như hiện nay. Mặt bằng, bố cục kiến trúc tổng thể của chùa kiểu “Nội công ngoại quốc”, gồm Tam quan, chùa chính, nhà Tổ - Mẫu và các công trình phục trợ khác. Từ chân núi đi lên 17 bậc là đến Tam quan, qua một khoảng sân rộng và đi lên 39 bậc là đến chùa chính. Chùa chính có mặt bằng, bố cục kiến trúc hình chữ “công” với Tiền đường 7 gian 2 dĩ nhỏ tường hồi bít đốc. Bộ vì Tiền đường, Ông muống và Thượng điện có kết cấu theo kiểu thức “Thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ, bẩy hiên” trên 4 hàng chân cột. Toàn bộ hệ thống cột được kê trên các chân tảng bằng đá nhị cấp. Đặc biệt, có 4 chân tảng (kích thước 80 x 80cm) chạm 24 cánh sen úp theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI - XVII rất độc đáo. Mái chùa lợp loại ngói mũi hài, dày rất đẹp.

Chùa Lạc Lâm còn giữ được nhiều di vật quý giá, đặc biệt là hệ thống tượng tròn gồm 87 pho bằng chất liệu gỗ, đất luyện và đồng được tạo tác tỉ mỉ, công phu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI - XIX. Ngoài ra, còn có 2 quả chuông đồng, quả chuông lớn có niên hiệu Cảnh Thịnh 6 (1798); 6 tấm bia đá, một tấm có niên hiệu Chính Hoà 19 (1698); 1 biển gỗ chạm viền khắc bài thơ Nôm “Lạc Lâm Tự thi” với 2 chữ Ngự đề và dòng niên đại ngày 17 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh - Đinh Dậu (1717); 8 viên gạch thời Mạc; 3 bức y môn gỗ; 10 đôi câu đối; 10 bức hoành phi cùng nhiều đồ tế tự khác với các chất liệu đồng, gỗ, vải, đá và đất nung,

Chùa Lạc Lâm còn là “địa chỉ đỏ” của phong trào đấu tranh chống giặc Pháp thế kỷ XIX. Vào những năm 1883-1885, với vai thầy “Tự” ở chùa So, Dương Hữu Quang đã bí mật chiêu tập các anh hùng, nghĩa sĩ để mưu việc chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là địa điểm sơ tán của Bộ Tư lệnh Thông tin, Bộ Nội vụ và Học viện Quân y 108.

Trong suốt thời gian tồn tại của mình, chùa Lạc Lâm đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống và tinh thần yêu nước của dân tộc. Thời Lê, vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) đã thân ngự giá đến chùa đề thơ vãng cảnh. Nơi đây, hiện nay là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của làng.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)