Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu bắt nhịp phát triển công nghiệp văn hóa
Tại Hà Nội, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) nổi tiếng bậc nhất với làng nghề tăm hương lịch sử hơn 100 năm. Không chỉ được gìn giữ, làng nghề tăm hương nơi đây đang bắt nhịp quá trình phát triển công nghiệp văn hóa trên mảnh đất Thăng Long.
Đặt chân đến Quảng Phú Cầu trong bất kỳ thời gian nào trong năm, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương tất bật với các công đoạn làm tăm hương truyền thống. Đại diện chính quyền xã Quảng Phú Cầu chia sẻ, xã hiện có 6 thôn tất cả đều là làng nghề, trong đó làng nghề tăm hương trước chỉ có ở thôn Phú Lương Thượng, nay đã lan ra ở hầu khắp các thôn khác.
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu đã có hơn 100 năm tồn tại và phát triển. Trước kia, việc làm hương tại địa phương hoàn toàn thủ công từ việc vót tăm, nhuộm chân, se hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, người dân làng nghề đã đầu tư mua sắm máy móc, công nghệ hiện đại giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm đều và đẹp hơn. Tại xã Quảng Phú Cầu hiện có khoảng 3.000 hộ dân sản xuất tăm hương, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày.
Vừa giữ gìn và đẩy mạnh phát triển làng nghề, thu nhập của người dân Quảng Phú Cầu cũng tăng lên theo thời gian. Theo số liệu của UBND xã Quảng Phú Cầu, năm 2022, bình quân thu nhập đầu người toàn xã đạt 62,5 triệu đồng/người; dự kiến đến hết 2023, bình quân thu nhập đầu người sẽ đạt xấp xỉ 70 triệu đồng/người. Hương tại làng nghề Quảng Phú Cầu được ưa dùng vì làm từ trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây bài, than xoan... không gây hại cho sức khỏe con người.
Không chỉ cung ứng thị trường trong nước, sản phẩm tăm hương làng nghề truyền thống Quảng Phú Cầu đã xuất khẩu qua nhiều nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Vương quốc Anh. Đặc biệt, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu gần đây đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề.
Khách du lịch về thăm làng nghề ngày càng nhiều, người dân xã Quảng Phú Cầu nhận thấy đây là tiềm năng phát triển du lịch làng nghề. Bởi vậy, nhiều hộ dân sản xuất tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu đã dùng một góc sân, hiên nhà để xếp những bó chân hương với màu sắc đỏ, vàng, xanh… thành các “tác phẩm nghệ thuật” như bông hoa, quốc kỳ Việt Nam, bản đồ quốc gia hình chữ S, cây thông Noel. Sự sáng tạo này cùng việc đẩy mạnh quảng bá, truyền thông qua các kênh mạng xã hội, làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu trở thành điểm đến của du khách trong nước cũng như quốc tế.
Hiện nay, du khách đến với làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu vừa được trải nghiệm các công đoạn làm hương mà còn được tìm hiểu giá trị văn hóa, mua sản phẩm và “check-in” để “khoe” với cả thế giới trên các nền tảng mạng xã hội.
Sở hữu nét riêng và độc đáo trong hàng ngàn làng nghề của Hà Nội, kết hợp bề dày lịch sử - văn hóa, làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu đã đáp ứng "điều kiện cần" để phát triển du lịch, góp phần quảng bá tinh hoa làng nghề, tạo thêm nguồn thu cho địa phương.
Nếu chú trọng tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đẩy mạnh cải tiến sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trên nền tảng tri thức dân gian, tăng cường kết nối xây dựng tour tuyến tham quan, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu sẽ có thêm "điều kiện đủ" và hứa hẹn trở thành một địa chỉ du lịch làng nghề sống động và hút khách của Thủ đô Hà Nội./.