Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 10/09/2023 15:47

Chùa Quán Sứ trước đây thuộc thôn An Tập, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. Thời Lê, thôn An Tập thuộc tổng Nội, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Hiện nay, chùa ở số nhà 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

chua-quan-xu.jpg
Chùa Quán Sứ

Chùa được khởi dựng từ thế kỷ XV, cạnh nhà Quán Sứ để tiện cho các sứ thần nước Lão Qua, Chiêm Thành tụng kinh thờ Phật khi họ đến giao thiệp với triều đình ở kinh đô Thăng Long. Tấm bia dựng năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) do Lê Duy Trung soạn, hiện dựng ở chùa có ghi: “Tiền đường thờ Phật, hậu đường thờ Lý Quốc Sư. Đầu đời Gia Long, Thăng Long đổi ra Bắc Thành, chia đặt các đồn quân. Chùa ở giáp đồn Hậu quân”.

Sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, phần chú thích bản đồ Hồng Đức thành Thăng Long có ghi: cửa Nam Kinh thành có 4 di tích nổi tiếng: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, đền Nam Giao, chùa Quán Sứ.

Năm 1934, Phật giáo Bắc Kỳ đóng Hội quán tại chùa. Từ năm 1935 đến năm 1942, chùa Quán Sứ là trụ sở báo Đuốc Tuệ, đại diện cho tiếng nói của hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Năm 1942, Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập và lấy chùa Quán Sứ làm trụ sở Trung ương.

Từ khi khởi dựng tới nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Tấm bia niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822) có ghi: “...Chùa được sửa sang làm chỗ lễ bái cầu đảo cho quân nhân”. Ở thời Tự Đức đã có 3 lần tu sửa, tổ tượng, tạc thêm tượng Phật vào các năm Tự Đức thứ 8 (1855), Tự Đức thứ 29 (1876), Tự Đức thứ 34 (1881). Năm 1942, chùa được trùng tu lớn để làm trụ sở Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1992, tu sửa lại nhà thờ Tổ.

Chùa Quán Sứ là di tích tôn giáo thờ Phật và thờ Lý Quốc Sư. Bài ký trên bia dựng năm Tự Đức thứ 8 (1855) có ghi: “...Thiền sư rất tinh thông pháp thuật, thuật quán đến khôn lường có khi cưỡi mây đến thiên thai cũng không biết được, lúc thì đỗ ở chùa Hà Trạch ngâm vịnh:

Chọn đất long xà tạm nghỉ ngơi,

Tình quê suốt buổi xiết bao vui!

Sớm nào trèo đỉnh non cao ngất,

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

Thiền sư đã chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông. Thiền sư có an huệ với bốn vua nhà Lý. Người có công với nước, ấy là có công với dân. Năm thứ 4, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1136), vua ban cho chức Quốc sư...” Chùa được xây dựng trên một khu đất cao, rộng, thoáng, quay hướng tây nhìn ra phố Quán Sứ. Các công trình kiến trúc của chùa gồm: Cổng Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thượng điện, hai nhà Dải vũ, nhà thờ Tổ.

Cổng tam quan gác chuông xây bằng gạch kiểu chồng diêm ba tầng, mái lợp giả ngói ống. Chùa chính được xây dựng trên nền cao hơn mặt sân 1,8m, từ sân lên nền nhà xây 12 bậc bó vỉa bằng xi măng. Nhà Tiền đường xây kiểu nhà có mái chồng diêm, mái lợp giả ngói ống.

Nhà Thượng điện 4 gian xây nối với gian giữa, Tiền đường chạy dọc về phía sau, mái lợp giả ngói ống. Hai hồi gian cuối của gian Thượng điện nối với 2 gian bên, một bên thờ Lý Quốc Sư, một bên thờ Già Lam Chân tể. Nhà thờ Tổ ở phía sau thượng điện, xây hai tầng, mái lợp ngói Tây. Tầng trên là nơi thờ Tổ, tầng dưới là giảng đường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hai bên sân và hai hồi chùa là hai dãy nhà Tả - Hữu vu, xây kiểu nhà hai tầng, mái lợp ngói ta. Dãy nhà bên tả là văn phòng Hội đồng chứng minh và văn phòng Giáo hội. Tầng hai của Hữu vu là văn phòng Hội đồng trị sự Trung ương.

Gian bên trái Tiền đường đặt bàn thờ tượng Quan Âm chuẩn đề, gian bên phải đặt ban thờ tượng Thánh Tăng. Toà Phật điện gồm các lớp tượng: Lớp thứ nhất: 3 pho tượng Tam thế thường trụ diệu pháp thân (quá khứ, hiện tại và vị lai).

Lớp thứ hai: Tượng A Di Đà ở tư thế ngồi thiền định trên toà sen. Lớp thứ ba: Chính giữa là tượng Thích Ca niêm hoa, hai bên là tượng Bồ Toà Cửu long và Phật Thích Ca sơ sinh.

Lớp thứ tư: Bộ sưu tập di vật văn hoá của chùa gồm: 8 tấm bia hậu, trong đó 1 tấm bia “Quán Sứ tự công đức bi ký” niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1855) ghi việc tu sửa chùa và sự tích Thiền sư Minh Không, 2 tấm bia niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876), 4 tấm bia niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881) ghi việc tu sửa chùa, tạc tượng, đúc chuông.

- 5 quả chuông đồng có kích thước lớn nhỏ khác nhau, 1 quả chuông niên hiệu Gia Long thứ 11 (1812), 1 chuông niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817), 1 chuông đề “Quán Sứ tự chung” niên hiệu Gia Long.

- 27 pho tượng tròn được tạo tác công phu, tinh xảo, phủ thếp vàng lộng lẫy mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX.

- 13 câu đối sơn son thếp vàng có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và sự huyền diệu của Phật pháp như:

Thọ quang vô lượng trang nghiêm, vạn đức hồng danh chân giáo thể

Phúc tuệ thâm thâm cứu cánh, nhất tâm bất loạn đại từ tôn.

Nghĩa là:

Thọ quang nhất mực trang nghiêm, muôn đức lẫy lừng thực là giáo thể

Phúc tuệ cực sâu kết thúc một lòng không loạn lớn lắm từ tôn.

Hệ thống di vật bằng gỗ cũng khá phong phú và đều là những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX - XX như: 4 tấm hoành phi sơn son; 6 bức cửa võng chạm hình tứ quý, tứ linh; 8 nghi môn chạm tứ quý; 2 bức phù điêu chạm hình rồng chầu; 6 bức cuốn thư chạm hình tứ linh và nhiều đồ thờ tự khác như: hương án, sập thờ, bát hương sứ men lam, cây đèn, mâm bổng.

Chùa Quán Sứ có khởi nguồn tạo dựng vào thời Lê thế kỷ XV. Chùa Quán Sứ là một trong những di tích được bảo quản khá tốt, là trụ sở của Hội Phật giáo Việt Nam, trung tâm đào tạo các chư vị thượng toạ, tăng ni có tài, có đức giúp ích cho đời. Chùa Quán Sứ còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng, một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)