Tản văn

Hành trang tháng Chín

Tản văn của Ngô Nữ Thùy Linh 05:59 11/09/2023

Tháng Chín, ánh nắng nhẹ nhàng lướt qua khung cửa sổ, báo hiệu một mùa tựu trường nữa đã đến. Những cô cậu học trò lại háo hức chuẩn bị hành trang cho một năm học mới. Ở quê, những đứa trẻ lớn lên từ bùn đất, lấm lem.

nong-thon-moi_qtzj.jpg

Sau mùa hè bỏng rát trên đồng ruộng, chăn vịt, chăn trâu, cắt cỏ, những thân hình đen nhẻm lại bắt đầu hành trình tìm tương lai trên từng con chữ. Sách vở, tiền học… rồi tất cả những gì cần thiết cho năm học mới đều được ba mẹ ưu tiên để mấy anh chị em được tới trường. Lúc nào ba mẹ cũng dặn dò: “Ráng học cho tốt mai mốt nên người, vươn lên khỏi những cánh đồng làng”. Cuộc đời ba mẹ là những bươn bả trên cánh đồng, trên những công trình xây dựng nắng thiêu đổ lửa. Niềm vui trong mắt ba mẹ không chỉ là khi những đứa trẻ biết quen tay quen việc trên cánh đồng, phụ giúp gia đình mà vui hơn cả là khi chúng đến trường học đạt được thành tích tốt.

Hành trang tháng Chín, là bộ quần áo mới mẹ vừa sắm hôm qua. Chiếc cặp có in hình những chú gấu bông ngộ nghĩnh, hay những siêu nhân, hoạt hình. Cả một thế giới tới trường, nằm gọn trong chiếc cặp. Lúc nào ba mẹ cũng dặn: “Đi học ráng giữ cặp sách cẩn thận nghe con, được nửa chừng hỏng hết, chẳng ai sắm lại cho đâu nha”. Lũ trẻ vui vẻ gật đầu. Năm học mới mà, cái gì cũng mới. Chỉ ngửi mùi giấy thơm trên trang sách, quyển vở, cũng đủ thấy ấm áp tràn về, là những ngày hè vất vả lao động, ngược xuôi đuổi vịt, móc cua, quát trâu, quát bò. Những ngày lon ton theo chân ba mẹ đi phụ hồ. Đứa lớn mang bảo hộ, xách phụ một số thùng vữa nhỏ. Đứa nhỏ ngồi dưới gốc cây, lụi cụi cắt mấy quả chanh, làm nước mát cho cả nhà uống. Mùa hè trôi nhanh trong niềm hân hoan.

Tháng Chín, có ai đó khẽ nhắc về những ngày tháng cơ cực, gian nan. Cùng nhau lội bộ qua cánh đồng làng. Giữa mênh mông nước lũ, cả đám ôm nhau, đứa trước, đứa sau lần mò tìm đường về. Con đường từ trường về nhà, rộn vang tiếng cười. Cặp sách đội đầu. Những chiếc bao nilon đựng đường cát trắng, được ba cắt một lỗ tròn ở phía dưới, những đứa trẻ chui đầu vào đó, yên tâm mưa lớn cũng không bị ướt. Bộ quần áo mới được gấp lại gọn gàng, cho vào cặp sách, còn được bọc kĩ bởi một chiếc túi nilon khác. Về tới nhà, chỉ việc giặt sạch, phơi chỗ gió thổi, ngày mai lại có đồ để tới trường. Sách vở nhỡ có ướt một chút, cũng được đưa ra, ngồi bên bếp lửa, vừa nướng củ khoai, vừa hơ cho sức nóng của lửa nhanh khô.

Tháng Chín, mùa những đứa trẻ được ba mẹ cho thêm vài đồng bạc lẻ, mua giấy màu, bút màu tô vẽ ông sao rước đèn đi hội. Khi tiếng ếch đồng vang vang ngoài bãi, trăng ngày cận rằm nhú phía xa xa, soi rõ khoảng sân vận động bao la. Lũ trẻ kéo nhau, đứa kéo, đứa hồ dán, đứa dây buộc, tụ tập để làm lồng đèn. Gió từ sông thổi lên mát rượi. Có tiếng của ai đó nhắc nhở: “Làm nhanh còn về học bài, ngày mai tới trường nữa đấy”. Cả lũ nhao nhao vâng dạ. Niềm hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt, đón chờ một đêm rằm rộn vang tiếng cười từ đầu làng đến cuối làng.

Tháng Chín, những cây cổ thụ trút bỏ chiếc xiêm áo vàng cũ của mình, khoác lên màu xanh chuẩn bị đón mùa mới. Những đứa trẻ con háo hức, tranh thủ những ngày hè còn lại mang bao tải đi quét lá. Bên từng gốc cây to, rộn ràng tiếng cười. Đứa quét, đứa hốt, đứa trèo lên bao giẫm cho lá chặt xuống. Chúng lục tục mang chiến lợi phẩm về nhà, giúp ba mẹ đun nồi cám heo. Thời gian rảnh rỗi còn lại, chúng nhặt những quả xà cừ to và già, lấy chiếc van xe đạp hỏng, đục một lỗ nhỏ, làm còi thổi te te. Đường làng râm ran tiếng cười, nói, trong veo, đầy những háo hức.

Tháng Chín hứa hẹn bao điều mới mẻ của cuộc hành trình. Có nắng nhẹ, gió thổi, có cô nàng mùa thu lướt qua ngôi trường làng, mỉm cười nghe tiếng ê a học bài của những đứa trẻ. Khẽ đặt lên một chút hanh hao, một chút xuyến xao. Những cô cậu học trò khoác trên mình bộ đồng phục quần xanh áo trắng, nghiêm trang trước buổi lễ chào cờ đầu năm. Lắng nghe những dặn dò ân cần của thầy cô cho năm học mới. Ai nấy đều khao khát có một năm học đạt được kết quả như mình mong muốn.

Nếu những ai đã trải qua những năm tháng học trò thân thương ấy, để bây giờ mỗi khi nhớ lại, đứng trên ngôi nhà cao tầng ngắm phố xá đông đúc, lòng hẳn chợt chùng nhẹ. Khao khát lại được mặc áo trắng, quần tây, rón rén bước vào lớp học lễ phép câu: “Thưa thầy, cho con vào lớp…”

Tản văn của Ngô Nữ Thùy Linh