Vút lên giá trị tự thân và tự do của cái đẹp
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 07:32, 26/06/2022
Chào mào là loại chim được người thôn quê yêu thích, nhất là trẻ em. Đặc biệt khi chiếc mũ đồng phục của thiếu niên được gọi là mũ chào mào. Ngày nay chim chào mào ít xuất hiện, vì vườn cây thưa thớt, lại phun thuốc bảo vệ thực vật nên sâu chết, quả độc. Con chào mào bay đi.
Kìa! Con chào mào trở lại. “Đốm trắng, mũ đỏ, trên cây cao chót vót”, nó hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…” Con chào mào hấp dẫn cả màu sắc, cả sự linh động, và nhất là tiếng hót. Chào mào tượng trưng cho vẻ đẹp quý hiếm của thiên nhiên. Ai mà chẳng muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy. Nhà thơ - tôi - càng vậy. Anh “vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Nhưng oái oăm thay, khi “vừa vẽ xong” thì con chim “cất cánh” bay đi mất. Nhà thơ ôm cả thiên nhiên, “khung nắng, khung gió, nhành cây xanh hối hả đuổi theo”. Nhưng con chào mào bay đi “vô tăm tích”. Nhà thơ hy vọng chỉ lát nữa thôi con chào mào sẽ lại bay về “mổ những con sâu”, khoét “trái cây chín đỏ”, uống “từng giọt nước thanh sạch” của nhà thơ. Rồi nó lại cất tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”, nhưng con chim đã không quay trở lại chính lúc vắng mặt con chào mào ấy, nhà thơ bỗng cảm thấy “chẳng cần chim lại bay về, tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Đây là một thức nhận chợt đến nhưng thâm sâu của nhà thơ.
Đọc xong bài thơ này, điều đầu tiên độc giả có thể nghĩ đến là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Con người từ chỗ lệ thuộc vào thiên nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật, tưởng như làm chủ được thiên nhiên, nên muốn chiếm hữu tự nhiên, như bắt nhốt con chào mào. Nhưng điều đó chỉ là ảo tưởng. Kể cả việc con người dùng thiên nhiên như một công cụ (khung nắng, khung gió, nhành cây xanh) để chinh phục thiên nhiên (con chào mào). Cuối cùng, con người đã nhận ra rằng, nếu trả thiên nhiên về cho thiên nhiên thì lúc ấy, dù là thiên nhiên vật chất (con chào mào đốm trắng mũ đỏ), hay là thiên nhiên tinh thần (tiếng hót) ta sẽ có một thiên nhiên thân thiện hơn, tươi đẹp hơn. Tuy vậy, đằng sau câu chuyện sinh thái học đã dần trở nên quen thuộc này, ta vẫn thấy ánh lên một bài học thẩm mỹ. Cái đẹp cả trong tự nhiên lẫn trong cuộc sống bao giờ cũng có giá trị tự thân. Con chào mào hót là tự nó muốn hót. Cái đẹp sinh ra không vụ lợi. Hơn nữa, cái đẹp còn gắn với sự tự do. Bởi vậy, con người không nên và không thể sử dụng nó vào những chức năng khác, ngoài tự tính thẩm mỹ. Nhà thơ giúp người đọc phân biệt được cái đẹp và cái có ích.
Bài thơ “Con chào mào” không phản ánh một hiện thực cụ thể nào, mà thuần túy tưởng tượng. Nhà thơ đã sử dụng một ngôn ngữ đời thường, thể thơ tự do giản dị, ít dùng các biện pháp tu từ, để xây dựng nên một trường hợp tưởng tượng, mà thực hơn cả thực. Trước đây người ta quá chú trọng thực tế, mà xem nhẹ vai trò của tưởng tượng. Thực ra, trong nghệ thuật, nhất là trong thơ, cũng như trong khoa học kĩ thuật tưởng tượng chiếm một vị trí quan trọng. Nhiều sáng tạo văn chương và phát minh khoa học không nhất thiết phải thực hành trên thực tế mà chỉ cần thí nghiệm bằng tưởng tượng. Như vậy, qua bài thơ này, người đọc khỏi phải dệt bẫy, bắt, nhốt con chào mào rồi mới ngộ ra được những bài học về đạo lý và về cái đẹp. Nhà thơ đã kiến tạo nên một trường hợp tưởng tượng để nói về tưởng tượng.