Chùa Phú Văn (huyện Mỹ Đức)
Chùa Phú Văn hiện nay tọa lạc tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Vào năm Duy Tân thứ 4 (1910), làng Phú Văn được hình thành. Khi ấy, 12 gia đình đến nơi đây lập nghiệp, mở làng gọi là Bột Trại. Song song với việc khai hoang lập ấp, nhân dân nơi đây cũng xây dựng những công trình tôn giáo, trong đó có chùa Phú Văn.
Chùa chính có kết cấu hình chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Toàn bộ kiến trúc này được dựng trên khu nền cao. Bao quanh khu vực này là nhà Mẫu, nhà Tổ kiểu nhà ngang, nhà khách, sân vườn và tháp mộ sư. Tiền đường của chùa làm 3 gian 2 chái theo kiểu tường hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri. Các bộ vì của tòa Tiền đường được làm theo thể thức “thượng chồng rường con nhị hạ kẻ bẩy”. Thượng điện là một dãy nhà dọc theo kiểu “tiền đạo hậu đốc” gồm 3 gian làm theo kiểu quấn vòm gôtic đơn giản. Nhìn chung, kết cấu của tòa Tiền đường và Thượng điện của chùa Phú Văn chủ yếu thuộc về độ bền chắc, mọi kỹ thuật tinh xảo chủ yếu tập chung vào hệ thống tượng tròn. Tại Thượng điện có các bộ tượng Tam thế Di Đà Tam tôn, Quan Thế Âm và Đại Tthế Chí, Thích Ca niêm hoa, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm toạ sơn, Giám trai và Thổ địa, Ngọc Hoàng, tòa Cửu long. Hai bên hồi của toà Thượng điện là ban thờ Đức Ông và Thánh Hiền.
Chùa Phú Văn còn lưu giữ được 1 quả chuông có niên đại ra đời vào thời Nguyễn, 1 bát hương Thổ Hà thế kỷ XIX. Việc chế tạo bát hương này là một quá trình công phu và tỉ mỉ. Trên trán bát hương là biểu tượng của ngọn lửa tam muội cùng đôi rồng chầu, ở giữa là tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Sát đế bát hương là mặt hổ phù, hai bên thành được đắp rồng yên ngựa đuôi cao vút lên tạo thành tại của bát hương. 10 cột đá có tiết diện vuông mỗi cạnh 28cm.
Chùa Phú Văn đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.
Theo Hà Nôi Danh thắng và Di tích tập 02