Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Ngọc Phúc (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 01/09/2023 15:06

Chùa mang tên địa danh của làng Ngọc Phúc, nay thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

chua-ngoc-phuc-qo.jpg
Chùa Ngọc Phúc

Thời Lê Vĩnh Trị gọi là Phúc Khánh, năm Minh Mệnh thứ 2 đổi thành Ngọc Phúc (còn gọi là Đồng Khanh). Trước Cách mạng tháng Tám (1945), thôn Ngọc Phúc thuộc xã Phục Liệp, tổng Liệp Mai, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Chùa Ngọc Phúc cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía tây. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc đến km 29, rẽ tay trái theo con đường liên thôn khoảng 500m là tới di tích.

Ngôi chùa toạ lạc trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng ở trung tâm làng Ngọc Phúc. Chùa nhìn về hướng đông, phía trước đường làng và xung quanh có cư dân quần tụ.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Ngọc Phúc là kiến trúc tôn giáo thờ Phật. Điều đáng chú ý là ở chùa Ngọc Phúc còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị sư nổi tiếng ở thời Lý. Theo bài minh trên bia đá “Hậu Phật duệ điều bí” ở chùa thì năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680) người xưa đã dựng chùa. Chùa có mặt bằng, bố cục kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm toà Bái đường, Thượng điện, phía sau Hậu cung là nhà thờ mẫu. Toà Bái đường có 5 gian, cấu trúc 6 vì kèo, xung quanh xây tường hồi bít đốc. Các vì kèo cấu trúc theo kiểu kẻ chuyền, tiền bẩy, hậu kẻ gỗ tròn bào trơn đóng kén. Hoa văn trang trí trên các con rường của vì kèo phía trước hậu cung được chạm khắc khá công phu, chạm hình hoa lá, chữ “thọ”, phượng bay... Môtíp trang trí theo phong cách thời Nguyễn muộn đã được sửa lại. Đỡ câu đầu là hai đầu rồng ngậm viên ngọc và có chạm vân hoa lá. Hậu cung có 4 gian, 3 hàng cột với các vì kèo thượng giằng hạ kẻ trang trí hoa văn lá, chữ triện và tứ linh.

Hiện vật còn lưu giữ được tại di tích khá phong phú: Hệ thống tượng Phật căn bản như các ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ với các lớp hàng trên là Tam thế, tiếp đến là A Di Đà, Kim Đồng, Ngọc Nữ. Giữa là Ngọc Hoàng và Đại Thế Chí Bồ tát, Di Lặc, Thích Ca sơ sinh, Quan Âm nam hải, Bát vị Kim cương... mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII. Ngoài ra, có 3 chuông đồng niên đại thế kỷ XIX; 3 bia đá; 02 bát hương sứ da lươn mang phong cách mỹ thuật thời hậu Lê... cùng nhiều đồ tế tự như ống hương, cây nến và thần phả ghi sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Cùng với đình làng, chùa Ngọc Phúc góp phần tô đẹp thêm cảnh quan của một làng quê ven sông Tích thơ mộng. Nơi đây, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của làng, đồng thời là cơ sở cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích nghệ thuật năm 1997./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)