Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Chứng nhân lịch sử giữa lòng Hà Nội

Nguyễn Thị Ngọc Oanh 05/09/2023 11:28

Ngay giữa lòng Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, có một nơi yên ắng đến lạ thường. Nơi từng được gọi là "địa ngục trần gian" nay nhẹ nhàng thầm thì những câu chuyện đã đi qua cùng năm tháng. 

Chiến tranh đã qua đi hơn nửa thế kỷ nhưng “Nhà tù Hỏa Lò” vẫn sừng sững ở đó như một chứng nhân lịch sử, biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người con Việt Nam yêu nước.

11.jpg
Hình ảnh ngoài cổng Nhà tù Hỏa Lò

Tôi mới được dịp ghé thăm Hà Nội hai lần, và lần nào tôi cũng ghé vào Nhà tù Hỏa Lò, bởi lẽ cái giá trị mà nó mang lại, tôi đã “không thở được”, rất khó để có thể gọi tên chính xác cái cảm xúc bi hùng khi bước vào nhà tù. Nhắc đến Hà Nội, tôi sẽ nghĩ ngay đến Hỏa Lò, đôi khi còn đùa vui với bạn bè rằng: “Hay mai mình “đi tù” đi?”. Với tôi, Hà Nội có một cái gì đó rất riêng và Nhà tù Hỏa Lò cũng vậy.

Cả quốc gia, có lẽ chỉ có duy nhất một con phố đặc biệt như Hỏa Lò. Con phố không quá ngắn nhưng chỉ có một số nhà – nhà số 1 – và là nhà duy nhất. Con phố mà trong cả một khoảng thời gian dài đằng đẵng – quãng gần 100 năm – luôn là nỗi ám ảnh sợ hãi đối với phần đông những người vô tình đi ngang đó. Cánh cổng sắt đen sì, nhìn đã thấy ớn lạnh, lúc nào cũng im ỉm đóng.

Nhà tù Hỏa Lò được người Pháp xây dựng năm 1896 và được đặt tên là “Nhà tù Trung tâm”. Tổng diện tích của Trại giam Trung tâm và các trục đường lân cận dẫn vào trại giam là 12,908m2. Nhà tù được bao bọc bởi bức tường đá kiên cố cao 4m, dày 0,5m với hệ thống điện cao thế để ngăn tù nhân trốn thoát. Bên trong bức tường kiên cố có hệ thống vỉa hè rộng 3m để cho lính canh đi tuần tra. Toàn bộ cửa sắt và hệ thống khóa đều được mang từ Pháp sang. Cả khu vực ngục tù được chia thành 4 khu: A,B,C,D, trong đó:

Khu A, B: dành cho các phạm nhân đang được điều tra, phạm nhân không quan trọng hoặc phạm nhân vi phạm vào kỉ cương của nhà tù.

Khu C: dành cho tù nhân Pháp hoặc ngoại quốc.

Khu D: dành cho các phạm nhân đang chờ thụ án tử hình.

22.jpg
Cấu trúc nhà tù được xây thành nhiều khu vực khác nhau và kiên cố chống tù nhân tẩu thoát

Thế nhưng, ý chí cách mạng và tinh thần yêu nước thì không thể khuất phục. Các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học, nơi tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Tù nhân yêu nước ở Nhà tù Hỏa Lò không ngừng đấu tranh. Ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: Không phải tự nhiên có cụm từ “biến nhà tù thành trường học”. Tất cả đều say mê với một tinh thần kiên cường nhất: Thầy giáo lớp này - Học trò lớp khác.

Không gian nhà tù tăm tối, ngột ngạt với ánh sáng le lói hắt xuống cùng âm thanh rùng rợn; song sắt, gông cùm, xiềng xích dù có siết chặt thân thể cũng chẳng thể trói được ngọn lửa trong lòng mỗi người tù cách mạng. Những người cộng sản đã bảo vệ được khí tiết của mình, thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất, như lời thơ trong bài thơ “Không giam được trí óc” của đồng chí Xuân Thủy viết khi đang bị giam cầm ở Hỏa Lò năm 1938:

“Đế quốc tù ta, ta chẳng tù

Ta còn bộ óc, ta không lo

Giam người, khóa cả chân tay lại

Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do”

Tham quan Di tích Nhà tù Hoả Lò là một trải nghiệm khác biệt hoàn toàn so với các bảo tàng, di tích lịch sử khác. Tôi như được trải qua những cảm xúc chân thật nhất, những giây phút sinh tử nhất khi nỗi đau thương của mỗi cá nhân đối diện với khát vọng lớn lao hơn về tự do, hòa bình dân tộc.

Tôi không nghĩ mình sẽ bật khóc khi tham quan một di tích lịch sử nào đó, cho đến khi vào Hỏa Lò, chứng kiến chiếc máy chém - nổi tiếng nhất Hỏa Lò từ khi mới xây dựng. Máy chém được thiết kế cao từ 2m - 4m bằng các cột gỗ. Phía trên là một lưỡi dao lớn được giữ bằng các chốt. Bên dưới là hai miếng ván hình bán nguyệt ghép lại thành một hình tròn hoàn hảo, mục đích của nó là để giữ đầu của những tù nhân đã chết ở phía trước.

Máy chém là án hành quyết cao nhất đối với những tử tù cách mạng. Đứng trước máy chém - vật dụng mà Pháp mang ngang dọc Nam - Bắc tử hình những chiến sĩ yêu nước, cảm xúc tôi lẫn lộn: có sợ hãi, có căm thù, có xót thương, trái tim như bị bóp nghẹn. Thật dã man!

Thế mà cái uy lực của máy chém vẫn không thể dập cái uy trong tâm mỗi chiến sĩ cách mạng. Khi bọn thực dân Pháp chuẩn bị đưa các tử tù ra pháp trường thì tất cả người tù cộng sản đều reo vang: “Phản đối thực dân Pháp”, “Phản đối án tử hình”, còn các tử tù cách mạng bị dẫn đi hành quyết rất kiên cường trước khi đi cũng hô: “Thực dân Pháp đưa tôi ra pháp trường đây, các đồng chí ở lại mạnh khỏe, chiến đấu bảo vệ quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm; Việt Nam độc lập, thống nhất muôn năm".

Nếu máy chém là vũ khí tra tấn tàn nhẫn nhất thì “ngục tối” là nơi đáng sợ nhất khi nói đến Hỏa Lò, được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục”.

Bất cứ phạm nhân nào nghe đến ngục tối đều cảm thấy ám ảnh kinh hoàng, với những cái tát nảy lửa, những trận đòn ghê rợn, bị gông, cùm, ăn ở, vệ sinh, đều chỉ trong một không gian chật hẹp và tăm tối. Thiết kế những không gian giam giữ riêng biệt khiến phạm nhân không thể nằm ngủ, bao phủ bằng một không gian tối tăm, những ai từng bị nhốt ở đây một thời gian đều bị phù, ghẻ lở và thiếu dưỡng chất do thiếu vệ sinh và ánh nắng mặt trời.

Một thủ thuật cũng tàn nhẫn không kém của bọn thực dân Pháp dành cho các chiến sĩ đó là: đưa bố mẹ, vợ con vào chung tù hy vọng dùng tình cảm gia đình lung lạc chí khí các nhà Nho yêu nước. Nhưng chúng đã thất bại.

Lao tù vốn dĩ chẳng như thơ

Đời kham khổ, hoa vẫn đua nhau nở

Những yếu mềm nay cũng đâu còn nữa

Để tiếng “độc lập” chẳng là mơ

Giữa một Hà Nội phồn hoa cổ kính ấy, ẩn sau là một công trình lịch sử có ý nghĩa đặc biệt và lớn lao. Cánh cửa sắt nặng nề trông ra con phố nhỏ với những hàng bằng lăng cổ thụ lúc nào cũng im lìm – đã mở cửa suốt tuần để đón khách vào tham quan. Nhưng những gì thuộc về ngôi nhà duy nhất chiếm trọn con phố Hỏa Lò suốt gần 100 năm qua cũng không phải vì thế mà giờ không còn gì bí ẩn. Nếu được, dù chỉ là một lần, mong bạn hãy đến thăm Hỏa Lò để lắng đọng, chìm vào dòng xoáy của lịch sử hào hùng dân tộc./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Oanh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Nguyễn Thị Ngọc Oanh