Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Mía (Thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 03/09/2023 09:41

Chùa Mía hiện nay tọa lạc tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

chua-mia-st.jpg
Chùa Mía

Chùa Mía có tên chữ là “Sùng Nghiêm tự”, thuộc thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, cách thị xã Sơn Tây chừng 5km. Chùa Mía toạ lạc trên quả đổi thấp bằng phẳng rộng chừng 1 ha, hướng nam, nhìn xuống chợ Mía ở ngay trước chùa. Chùa Mía vốn có từ xa xưa, nhưng chỉ là ngôi chùa nhỏ, đến đầu thế kỷ XVII được dựng lại, mở rộng quy mô nhờ sự công đức của bà chúa Mía - Nguyễn Thị Ngọc Dao (nhưng nhân dân đọc chệch thành Dong hay Diệu) vợ yêu của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Tấm bia “Sùng Nghiêm tự” khắc năm Đức Long 6 (1634) cho biết: Vào năm 1632 đã dỡ bỏ chùa cũ, xây dựng chùa mới khang trang gồm toà Thượng điện, Thiêu hương, Tiền đường và hành lang hai bên, cả thảy 27 gian. Một số bia và tài liệu cho biết thêm: Năm 1730 xây thêm toà Tiền đường nữa 7 gian 2 chái ở phía trước Tiền đường cũ, năm 1843 xây Tam quan, năm 1853 sửa chữa lớn toà Tiền đường, năm 1916 mở rộng hành lang mỗi bên ra 7 gian, năm 1928 mở rộng và tôn cao Thượng điện, năm 1963 tu sửa nhỏ những chỗ bị hư hỏng, năm 1993 tu bổ, tôn tạo hoàn toàn nhà Thượng điện, nhưng thêm cây tháp Cửu phẩm liên hoa ở góc vườn đằng trước. Ngoài ra, từ cuối thế kỷ XX cho đến nay còn xây thêm nhiều công trình phụ như nhà thờ Tổ, nhà khách, tăng phòng và các kiến trúc phục vụ sinh hoạt đời thường khác.

Khuôn viên chùa được mở đầu bằng Tam quan 3 gian 2 tầng mái, tầng trên là gác chuông, to vừa dàn ngang vừa nâng cao, thông thoáng, trang nghiêm nhưng mộc mạc. Tuy nhiên, hai gian bên bị dựng bia chắn ngang và có hàng rào chắn song nên việc đi lại thường qua cổng phụ xây gạch ở phía bên trái. Qua cổng là sân ngoài cũng là vườn chùa trồng nhiều cây lưu niên, trong đó có cây đa cổ thụ ở góc phải của vườn đã vài trăm tuổi, xoè rộng tán và vươn cao đánh dấu đất Phật và cũng làm tôn thêm vẻ cổ kính của chùa. Từ vườn chùa theo đường lát gạch qua cửa Bát nhã vào sân chùa với một vườn cảnh gợi một thế giới thần tiên thanh khiết.

Từ sân qua hệ thống bậc gạch cao chừng 1m sẽ bước vào khu Tam bảo với bình đồ chữ “nhất” ở trước chữ “quốc”.

Hiếm chùa có hai toà Tiền đường, đây là một biệt lệ. Toà Thượng điện ngoài là để mở rộng chỗ cho các phật tử ngồi hành lễ vọng vào khu Thượng điện ở phía trong, ở toà này chỉ có điện Mẫu ở hồi bên trái đối diện với tấm bia dựng năm Đức Long ở hồi bên phải, là một tác phẩm nghệ thuật có nhiều giá trị cụ thể cả ở bài minh văn và hình chạm trang trí. Từ toà Tiền đường trong trở vào có bình diện theo kiểu “nội công ngoại quốc” quen thuộc thường gặp ở nhiều chùa dựng ở nửa đầu thế kỷ XVII, mở ra một không gian rộng để chứa một không gian tượng Phật đông đảo, có tới 287 pho tượng. Trừ phần Thượng điện mới tôn tạo, tu bổ nhưng vẫn ở trên nền cao vượt hẳn lên, các toà khác vẫn giữ nếp kiến trúc cổ, kết cấu đơn giản, dùng lại ít mảng có phong cách Mạc, một số mảng làm thêm thuộc những lần tu sửa ở thời Nguyễn, tất cả đều thấp, bình dị. Ở Hậu đường có những chiếc cột to bằng gỗ mít, càng khẳng định sự cổ kính của ngôi chùa.

Trong số 287 pho tượng, các tượng gỗ tập trung trên toà Thượng điện và toà Thiêu hương, trong đó nổi lên các tượng Tam thế, A Di Đà, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn với vẻ đẹp, quý phái mang phong cách tượng Lê Trung hưng thế kỷ XVII - XVIII. Trong điêu khắc tượng tròn, ở chùa Mía trội hơn nhiều chùa lại chính là loại tượng đắp đất rồi sơn thếp, mang phong cách của nghệ thuật tượng thời Nguyễn. Toà Tiền đường có hai pho Khuyến thiện, Trừng ác cao 2,6m, cưỡi trên mình sư tử. Giáp tường hồi mỗi bên có 4 pho Kim cương cao 1,82m đều trong thế võ, đứng vặn người cơ bắp nổi cuộn, một tay thấp, một tay cao. Bộ Thập bát La Hán bài trú ở hai bên hành lang. Tượng Di Lặc ở chính điện còn tượng Tuyết Sơn ở sau Hậu đường là sự đối lập về hình thể mà cũng đối lập cả thể chất, vô tư với đau đáu cũng rất Việt Nam. Tượng Quan Âm Thị Kính thực sự là người mẹ Việt Nam hiền thục, duyên dáng và điềm tĩnh. Tượng Phật Thích Ca nhập bàn nằm duỗi thảnh thơi là sự giác ngộ tột cùng và sự trở về thanh thản... Các cảnh động Văn Trừu, động Linh Ngưu với vô số tượng lớn nhỏ đều rất sinh động đã bầy ra như một bộ sử Phật giáo bằng hiện vật có sức truyền cảm mạnh nhất.

Chùa Mía có nguồn gốc cung đình, song ngay từ đầu đã đậm chất chân quê, không chỉ gắn với làng Đông Sàng mà còn gắn với cả vùng.

Chùa Mía đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1964. Đây là di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)