Văn học - Nghệ thuật

Phát huy nguồn lực, tạo điều kiện cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô

Thụy Phương 29/08/2023 18:39

Sáng ngày 29/8/2023, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 -NQ/TW. Hội nghị là dịp để nhìn nhận đánh giá lại những kết quả đã đạt được cùng những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trong suốt 15 năm qua, đồng thời đưa ra những giải pháp góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.

Dự hội nghị, về phía Trung ương có Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Bùi Thế Đức; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy. Về phía Thành phố Hà Nội, có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Thường ủy Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản. Ngoài ra, còn có đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo các quận huyện trên địa bàn Thành phố… 

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) được ban hành trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23, Đảng bộ TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công tác tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết; xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc kịp thời việc triển khai thực hiện Nghị quyết. 

img_8140.jpeg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Công tác tuyên truyền Nghị quyết 23 – NQ - TW được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hướng tới phù hợp với từng đối tượng và đặc thù của từng địa phương, đơn vị.

Xác định tầm quan trọng của Nghị quyết số 23, Thành ủy – HĐND - UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, cụ thể hóa bằng việc ban hành các văn bản về văn hóa nghệ thuật, tạo cơ sở điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, tổ chức thực hiện ở các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và chỉ đạo xây dựng đề án, dự án, kế hoạch, hướng dẫn, chương trình... để quyết tâm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 - NQ - TW, văn học nghệ thuật Thủ đô đã có sự chuyển mình quan trọng. Đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tạo được các tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật. Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân Thủ đô. 

Công tác bảo tồn phát huy di sản văn học nghệ thuật được quan tâm đầu tư. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quy hoạch không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở được triển khai tích cực, từng bước hoàn thiện phù hợp với tổng thể quy hoạch đô thị Hà Nội. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đẩy mạnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được tăng cường…

Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo, đó chính là cùng với việc xác định một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội đã ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với việc định vị thương hiệu mới cho Thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế sáng tạo với nền tảng là văn hóa, trong đó các lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng. 

Tại hội nghị, các tham luận của đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, huyện Đông Anh, quận Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm, báo Hà Nội mới, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc - Tử Giám, Nhà hát Kịch Hà Nội, Công ty Cổ phần Tuần Châu đã nêu bật những nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết 23 – NQ – TW. 

1b.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích.

Đề cập tới “Vai trò của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trong nhận diện, định hướng các khuynh hướng vận động và phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hiện nay”, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho biết xác định nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới là mục tiêu quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kiên trì gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để phát huy được “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh của dân tộc, giữ vững ổn định và tạo động lực cho sự phát triển, Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, phân công cụ thể cho từng cá nhân phụ trách, quyết liệt chỉ đạo triển khai, thực hiện sâu, rộng đến các hội chuyên ngành, cơ quan cấp 2 để cùng thực hiện.

“Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội và các hội chuyên ngành tích cực trong việc xã hội hóa huy động các nguồn lực từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện văn học nghệ thuật; ưu tiên đầu tư và khuyến khích xã hội hóa việc sưu tầm, bảo quản, khối phục, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền, các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian. Chú ý vun đắp đời sống tinh thần của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Góp phần xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Hà Nội phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống với hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân và du khách. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các hoạt động văn học nghệ thuật, nhất là việc công bố, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, loại trừ khuynh hướng thương mại hóa, xa rời đường lối văn nghệ của Đảng. Từ đó, nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới có nhiều chuyển biến tích cực; luôn có ý thức đoàn kết, trau dồi, nâng cao vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn học nghệ thuật, tích cực sáng tạo, lao động nghệ thuật. Nhiều tác giả - gồm cả tác giả trẻ luôn tìm tòi sáng tạo hướng tới Chân-Thiện-Mỹ và có những thành tựu rất đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập với thế giới, phát huy các giá trị di sản của dân tộc. Nền văn học nghệ thuật Thủ đô tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động thành phố, có quan điểm biện chứng với đời sống, ca ngợi, khẳng định những cái tích cực, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, tính tích cực xã hội được đề cao… Văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, giàu tiềm năng, xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, đạt được nhiều thành tựu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước”, NSND Trần Quốc Chiêm khẳng định.

img_8141.jpeg
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận thì việc thực hiện triển khai Nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật còn nhiều bất cập. Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển văn học nghệ thuật tình hình mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hóa có sở trưởng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật còn thiếu và yếu. Ít có tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với truyền thống nghìn văn văn hiến. Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật còn thấp, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô là trung tâm văn hóa lớn của cả nước…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, kết quả, thành tích của toàn thành phố trong phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Thủ đô. Theo Phó Bí thư Thành ủy, thành công lớn nhất qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đó là chính là sự chuyển biến nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực con người, trong đó có văn học, nghệ thuật. Các cấp, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa trong việc phát triển bền vững, hội nhập toàn cầu, nhận thức sâu sắc hơn về phát triển văn hóa đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. 

Từ những “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị thời gian tới cần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm bằng việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay; phù hợp với quan điểm của Nghị quyết XIII của Đảng; phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội. 

img_8107.jpeg
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sách về văn học nghệ thuật

Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, ngành, cơ quan quan văn hóa, văn nghệ sĩ Thủ đô nâng cao trách nhiệm, khát vọng xây dựng Thủ đô,  lan tỏa sáng tạo văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân góp phần xây dựng Thủ đô trở thành đầu tàu văn hóa, trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa. 

Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách nguồn lực, đầu tư tài chính để hỗ trợ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Hà Nội, trong đó có lĩnh vực mới là công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa tạo điều kiện, đầu tư cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo, công bố tác phẩm; thu hút nguồn lực để thực hiện chương trình, sự kiện mang tính chất quốc gia, tầm quốc tế tại Hà Nội; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá, thi đua, khen thưởng đối với việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW…

Dịp này, Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) trên địa bàn Thành phố; UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 26 tập thể, 21 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết. Tạp chí Người Hà Nội vinh dự được nhận băng khen của UBND Thành phố dịp này.

1g.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã dự và cắt băng khai mạc triển lãm "Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) trên địa bàn Thành phố"./.

Thụy Phương