Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Huy Văn, điện Dục Khánh (quận Đống Đa)

Sơn Dương (t/h) 28/08/2023 11:36

Chùa Huy Văn còn được gọi là chùa Dục Khánh, được xây dựng trên đất thôn Huy Văn, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, Thăng Long, nay là ngõ Huy Văn, phố Tôn Đức Thắng, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.

chua-huy-van-dd.jpg
Chùa Huy Văn

Tương truyền xưa đây là một gò đất, ban đêm thường phát ra ánh sáng, có người thấy lạ, đào lên được một khối vàng, đem vàng bán đi và lấy tiền đó xây một ngôi chùa và đặt tên là chùa Hoa Văn, đọc chệch đi thành Huy Văn. Theo các văn bia còn trong chùa thì chùa được xây đời vua Lê Thái Tông (1434 - 1441). Hồi ấy một phi tần của Thái Tông là Ngô Thị Ngọc Dao bị hoàng hậu ghen ghét nên phải lánh ra ở chùa này. Ngọc Dao mộng thấy Thượng Đế cho một tiên đồng xuống đầu thai rồi sinh được một con trai đặt tên là Tư Thành. Tư Thành ở ngoài cung cấm, là một cậu bé thông minh, từ nhỏ đã làm được thơ văn. Khi Lê Thái Tông mất, con thứ là Lê Bang Cơ lên làm vua là Lê Nhân Tông. Lê Nhân Tông làm vua từ năm 1441 đến năm 1459 thì bị anh (con đầu vua Lê Thái Tông) là Lê Nghi Dân giết và cướp ngôi. Việc làm đó của Lê Nghi Dân không được quần thần chấp nhận nên khoảng 8 tháng sau, các đại thần là Lê Xí, Lê Niệm... đã quyết định phế bỏ Lê Nghi Dân và đón Lê Tư Thành về, lên ngôi vua đó chính là Lê Thánh Tông (1460 - 1497) mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ phát triển rực rỡ của triều Lê Sơ, của quốc gia Đại Việt.

Sau khi lên ngôi vua, Lê Thánh Tông tôn mẹ làm Quang Thục Hoàng thái hậu, cho sửa lại chùa Huy Văn để kỷ niệm nơi sinh của vua và cho dựng ngay trước chùa một ngôi điện để Hoàng thái hậu ở, gọi là điện Dục Khánh (ngụ ý là chung đúc nhiều sự tốt lành). Thái hậu ở được 30 năm thì mất. Lê Thánh Tông cho đúc tượng và chuông để thờ ngay tại điện. Vì chuông và tượng bị thất lạc nên năm Vĩnh Trị thứ ba, thứ tư Mậu Ngọ (1678), Kỷ Mùi (1679) nhà sư trụ trì chùa Huy Văn đã đứng lên khuyến hoá các nơi, đúc lại tượng và chuông khác.

Chùa Huy Văn, điện Dục Khánh đã có những lần được tu tạo sửa chữa lớn vào các năm 1822, 1823 (triều Minh Mạng); 1861, 1864 triều Tự Đức. Sau này tiếp tục trùng tu, tôn tạo.

Bên ngoài điện thờ Thánh, kiểu nhà kép mái chồng, đều 3 gian; bên trong thờ Phật, có dãy hành lang theo kiểu chữ “công”, đều 5 gian. Trong chùa ngoài hệ thống tượng Phật, tượng Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, còn có tượng Lê Thánh Tông. Chùa còn lưu giữ được 9 bia đá.

Chùa Huy Văn, điện Dục Khánh hiện nay có hình dáng kiến trúc giống với lần sửa chữa thế kỷ XIX. Khuôn viên chùa rất đáng tiếc đã bị thu hẹp quá nhiều do bị xung quanh lấn chiếm.

Chùa Huy Văn, điện Dục Khánh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)