Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ)

Sơn Dương (t/h) 28/08/2023 08:29

Chùa Hiệp Thuận có tên chữ là Đại Bi tự, tên nôm là chùa Bà Tề, thuộc thôn Hiệp Thuận, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km về phía tây.

chua-hiep-thuan-pt.jpg
Chùa Hiệp Thuận

Theo thần tích, chùa Hiệp Thuận đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, những di vật, cổ vật còn sót lại ở chùa chỉ có niên đại sớm nhất vào khoảng thế kỷ XVII. Chùa đã được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn, đời Gia Long thứ 12 (1813), đời Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Chùa quay hướng chính nam, mặt bằng hình chữ “công”, gồm Tiền đường, ống muống (Thiêu hương) và Thượng điện.

Tiền đường có nội thất 3 gian 2 chái, bộ vì kèo 4 hàng chân, được tạo tác theo kiểu thượng rường hạ kẻ. Các cột gỗ hình tròn, to dần về phía dưới theo kiểu thượng thu hạ thách, đầu dưới các cột đặt chân tảng chìm.

Ống muống chùa Bà Tề gồm 3 gian. Hai vì giữa tạo tác kiểu thượng rường hạ kẻ. Cột gỗ tại đây cũng tạo kiểu thượng thu hạ thách, dưới là chân tảng tròn bằng đá xanh.

Thượng điện cũng có 3 gian, 2 chái. Vì kèo làm theo kiểu kiến trúc thượng rường hạ kẻ, mặt bằng bố mẹ 4 hàng chân, mái phân thượng tử hạ tứ. Cột gỗ tròn tạo kiểu thượng thu hạ thách, chân tảng bằng đá xanh trên tròn - dưới vuông. Trong đó, có một chân tảng chạm nổi hai lớp cánh sen, một lớp 16 cánh chính, đầu cánh sen nhọn, hơi nhô cao. Đó là một trong những đặc điểm nghệ thuật của thế kỷ XVII.

Trang trí kiến trúc phía trước toà Tam bảo có hai đường vây, trụ biểu đắp bằng vữa, bờ nóc xếp bằng ngói úp, hai đầu bờ nóc trang trí bằng vữa đắp hình chữ triện, bờ dải để trơn, đầu đao cong, mái lợp ngói liệt. Thân bẩy chạm khắc hoa văn thực vật, hoa lá cách điệu. Mười lăm bộ cửa làm kiểu bức bàn, trang trí ô hộc, nghé kẻ bào trơn đóng bén, câu đầu cong, con rường chạm hoa văn thực vật, trục dấu khắc chữ triện hình cánh phướn.

Chùa Bà Tề hiện có 70 bức tượng các loại, được sơn son thếp vàng, trong đó có 5 bức tượng Thích Ca sơ sinh, 2 toà Cửu long (1 toà bằng gỗ, 1 toà bằng đồng), 2 tượng Ngọc Hoàng, 2 tượng Đức Ông, 2 tượng Thánh Hiền, 2 tượng Quan Âm chuẩn đề, 2 bộ Văn Thù, Phổ Hiền. Đặc biệt, chùa có 3 pho tượng Tam thế được tạc theo phong cách tượng Phật ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Thái Lan. Điều này thể hiện sự mở rộng giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực của Phật giáo Việt Nam. Các bức tượng này được bài trí ở cả Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện và dãy hành lang. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi ân đức của đức Phật, phổ độ chúng sinh, cứu khổ cứu nạn...

Chùa Hiệp Thuận đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)