Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Hà (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 27/08/2023 11:25

Chùa Hà (Thánh Đức tự) hiện nay thuộc xóm Bối Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

chua-ha-cg.jpg
Chùa Hà

Chùa có tên nôm là chùa Hà, là tên gọi theo địa danh xóm Bồi Hà. Tên chữ là “Thánh Đức tự” (chùa Thánh Đức). Hiện nay chùa Hà là một trong những địa danh tín ngưỡng nổi tiếng linh thiêng, có sự tích và nguồn gốc tạo dựng từ thời hậu Lê.

Trong Thượng điện của chùa hiện còn lưu giữ một lư hương bằng đồng, cao 35cm, đường kính miệng 25cm, còn khắc ba chữ Hán “Thánh Đức tự”. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết thì tên chữ của chùa có từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Tương truyền, Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng, đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện. Vua Lê Thánh Tông còn nhỏ phải chạy về chùa Thôn Hậu (xã Dịch Vọng), tên chữ là chùa Thánh Chúa (cách chùa Thánh Đức khoảng 1000m). Khi ấy, vua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm chùa Thánh Đức. Chùa Thánh Chúa và chùa Thánh Đức có tên chữ như vậy là có nguồn gốc từ câu chuyện trên.

Căn cứ vào truyền thuyết và khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật văn hoá hiện còn lưu giữ tại chùa như: chuông đồng, câu đối... cho thấy chùa được xây dựng khoảng thời Lê mạt.

Tương truyền chùa được xây dựng từ rất lâu đời, tường xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, nên có tên chùa Vồi. Đến thời Lê Hy Tông có một người thợ gốm ở Thổ Hà (Bắc Giang) sang trọ ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở Thăng Long, do buôn bán phát tài đã tậu 13 mẫu ruộng, cúng vào chùa 7 mẫu, còn 6 mẫu làm công điền thu hoa lợi, đóng sưu cho dân nên xóm ấy lấy tên là Bối Hà. Mộ của người thợ gốm còn ở phía sau chùa. Nhờ nguồn lợi từ 7 mẫu ruộng và sự đóng góp của nhân dân trong vùng, chùa đã được xây bằng gạch ngói vào năm Chính Hoà (1680). Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên chùa là chùa Hà.

Chùa Hà là một kiến trúc tôn giáo có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê. Hiện nay trước cửa chùa còn khắc dòng chữ Hán “Lê triều Chính Hoà tạo dựng”. Diện mạo kiến trúc của chùa hiện nay là kết quả của những lần trùng tu từ thời Nguyễn và những năm gần đây. Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng, thoáng gồm: Cổng tam quan, vườn cây, hồ nước hình bán nguyệt. Chùa chính kết cấu kiểu chữ “đinh”, có Tiền đường, Thượng điện, nhà Mẫu, nhà Tổ. Tại chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị: quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 đời Tây Sơn (1799), bộ tượng tròn gồm 21 pho tượng Phật, 6 pho tượng Mẫu, 18 tấm bia thời Nguyễn và nhiều đồ thờ tự như bát hương sứ men lam, cây đèn, lọ hoa...

Chùa Hà thờ Phật, nhưng khác các chùa là bên cạnh còn điện thờ Mẫu.

Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Đời Lê, bên cạnh phía bên phải chùa Hà là ngôi đình Hà to đẹp thờ hai vị thành hoàng là Triệu Chí Thành, tướng của Triệu Việt Vương (Quang Phục, 549 - 570) có công chống quân xâm lược nhà Lương, và Chu Lý đại vương. Đình được làm mới to đẹp vào cuối những năm chín mươi thế kỷ XX.

Ngoài yếu tố tín ngưỡng, chùa Hà còn được công nhận là một di tích cách mạng kháng chiến của Hà Nội. Tối ngày 15/8/1945, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp các đội trưởng tự vệ, đội trưởng thanh niên tuyên truyền xung phong để kiểm điểm lực lượng và bàn những việc cấp bách chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Tối 17/8/1945, Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã họp với các đại biểu đoàn thể cứu quốc, tuyên truyền xung phong, tự vệ chiến đấu tại gác chuông chùa Hà để bàn việc thực hiện chỉ thị tổng khởi nghĩa.

Năm 1986, Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nội đã tổ chức gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng tại chùa Hà. Chùa Hà là một di tích tôn giáo thờ Phật vừa là di tích cách mạng kháng chiến. Di tích luôn được chính quyền và nhân dân địa phương trân trọng, gìn giữ, bảo quản chu đáo. Các công trình kiến trúc của chùa đã được tu bổ tôn tạo ngày một khang trang. Năm 2004, Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nội đã phối hợp với quận Cầu Giấy và Uỷ ban nhân dân phường Dịch Vọng tiến hành chỉnh sửa lại biển di tích cách mạng.

Chùa Hà đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)