Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Đồng Bụt (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 27/08/2023 09:24

Chùa mang tên địa danh của làng Đồng Bụt, nay thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

chua-dong-but-qo.png
Chùa Đồng Bụt

Chùa có tên chữ là Thiền Sư tự. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), thôn Đồng Bụt thuộc xã Phục Liệp, tổng Liệp Mai (nhân dân quen gọi là tổng Sếp), huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Chùa Đồng Bụt cách trung tâm Hà Nội khoảng 23km về phía tây. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc đến km 29, rẽ tay trái theo con đường liên thôn khoảng 250m là tới di tích.

Ngôi chùa toạ trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng ở trung tâm làng Đồng Bụt. Chùa nhìn về hướng tây, trước cửa chùa là ao sen và đường chính nối liền hai xóm của làng.

Theo truyền thuyết, sau khi Từ Đạo Hạnh hoá thân đầu thai làm Thái tử nhà Lý, chùa và vườn Nở - nơi sinh Từ Đạo Hạnh - đã được xây dựng để thờ phụng. Dấu tích bài minh trên quả chuông đúc năm Gia Long thứ 18 (1819) cho biết chùa Đồng Bụt được làm vào thời Trần, niên hiệu Đại Trị (1341-1369). Theo văn bia Hậu Phật bi ký niên hiệu Cảnh Trị thất niên (1669) chùa được tôn tạo, trùng tu. Chùa có mặt bằng, bố cục kiến trúc kiểu chữ “công”, bao gồm 5 gian Bái đường, 2 gian ống muống và 3 gian Thượng điện với kiến trúc chồng diêm kẻ bẩy. Qua nhiều lần sửa chữa, chùa Đồng Bụt mang phong cách kiến trúc cuối thời Lê đầu thời Nguyễn.

Chùa Đồng Bụt có quy mô lớn nhất vùng ven sông Tích của huyện Quốc Oai. Chùa được bài trí theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”: phía trước thờ Phật theo phái Đại thừa, Hậu cung thờ Từ Đạo Hạnh một vị sư nổi tiếng ở thời Lý được tôn lên thành thánh, đây là điểm khác biệt với các ngôi chùa quanh vùng. Chùa có nhiều tư liệu, truyền thuyết liên quan với chùa Thầy, chùa Keo (Thái Bình), được ca ngợi bằng mỹ tự: “Từ Đạo Hạnh tôn gia Đại đức Thiền sư. Với bức đại tự: “Từ cơ đan thánh - nền tảng sinh ra bậc thánh” chỉ nơi sinh, tái tạo nên một trung tâm tín ngưỡng có từ lâu đời. Nơi đây xưa nay nổi tiếng về văn hoá cổ truyền, dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Mồng bảy hội Thầy, mồng mười hội Sếp nhớ ngày mà đi.

Theo truyền thuyết, Từ Đạo Hạnh tên huý là Lộ, là con ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Ngọc Loan gốc tích quê ở Đồng Bụt, sinh Từ Đạo Hạnh ở vườn Nở (cách chùa này khoảng 500m). Từ Đạo Hạnh có tư chất thông minh từng đỗ đệ nhất Bạch liên khoa. Năm Chương thánh Gia Khánh thứ 2 (1060), Thiền sư cùng Giác Hải và Không Lộ sang Tây Trúc cầu Pháp Phật sau đó về tu tại chùa Thiên Phúc ở núi Sài Sơn. Từ Đạo Hạnh sau khi hoá ở hang động trên núi Sài, thi hài được hoả táng, lấy xá lỵ tô vào tượng ở gian bên tả chùa Thiên Phúc (chùa Thầy).

Chùa Đồng Bụt có hệ thống tượng Phật khá đầy đủ, nhiều pho có niên đại sớm. Với 28 pho được bài trí trên toà Bái đường, Tam bảo, Thượng điện, ở nhà Tổ và nhà Mẫu. Toà Tam bảo có những lớp tượng cơ bản như: Tam thế Phật toạ ở tầng trên nhất. Tiếp đó là lớp Di Đà Tam tôn. Lớp thứ ba là toà Cửu long với tượng Thích Ca sơ sinh. Toà Bái đường có các pho tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác to và cao tới 3m. Toà Hậu cung là nơi thờ tượng chân dung Từ Đạo Hạnh và tượng thân phụ, thân mẫu của ông. Tượng Từ Đạo Hạnh là một trong những pho tượng cổ nhất của chùa, tạo tác chân dung Từ Đạo Hạnh thời còn trẻ, tư thế ngồi thiền định, nét mặt thông minh và cương nghị. Theo lệ làng từ cổ xưa, chỉ ngày hội làng 10-3 âm lịch mới mở cửa khám, đặt lên kiệu rước ra Quán Thánh - một ngôi quán giữa đồng trên đường ra chùa Thầy.

Hiện vật còn lưu giữ được tại di tích khá phong phú: với 11 đạo sắc phong, sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Quang Trung ngũ niên (1792) còn lại là thời Nguyễn; đồ đá có 3 tấm bia; đồ gỗ có 5 bức hoành phi, 6 câu đối, 2 long ngai, 1 cỗ kiệu bát cống... Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ được cuốn thần tích cùng nhiều kinh kệ và sách cổ cùng nói tới thân thế, sự nghiệp truyền thuyết về Thánh sư Từ Đạo Hạnh.

Chùa Đồng Bụt là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi hành hương tham quan nghiên cứu của đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương. Chùa còn là cơ sở cách mạng thời kỳ chống Pháp, nơi tiễn đưa con em lên đường trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)