Văn hóa – Di sản

Cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù” lớn nhất Việt Nam

Kim Thoa (T/h) 18:26 26/08/2023

Tác phẩm thư pháp “Nhật ký trong tù” có bìa gỗ gõ dài 131cm, rộng 99cm, cao 41cm; kích thước trang ruột dài 115cm, rộng 81cm; tổng trọng lượng khoảng 260kg.

p1880847.jpg
Nghệ nhân Phan Thanh Sơn giới thiệu với các đại biểu về tác phẩm vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam. (ảnh: congly.vn)

“Nhật ký trong tù” là tập thơ chữ Hán đặc sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, viết trong tù, theo thể Đường luật, được dịch ra tiếng Việt. Năm 2012, Chính phủ đã công nhận “Nhật ký trong tù” là Bảo vật quốc gia.

Ngày 26/8, Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Gò Vấp, TP.HCM tổ chức chương trình triển lãm sách, hình ảnh, thư pháp với chủ đề “Bác Hồ với nhân dân” và ra mắt cuốn sách “Nhật ký trong tù” đạt kỷ lục Việt Nam của nghệ nhân Phan Thanh Sơn.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Viễn - Viện trưởng Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã trao quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam đối với cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù” của nghệ nhân Phan Thanh Sơn.

Cuốn thư pháp được nghệ nhân Phan Thanh Sơn kỳ công thực hiện trong 1 năm, bìa sử dụng gỗ gõ dài 131cm, rộng 99cm, cao 41cm; Kích thước trang ruột dài 115cm, rộng 81cm; Tổng trọng lượng cuốn thư pháp lên đến 260kg.

Mỗi trang được tác giả viết những bài thơ thư pháp bằng chữ Hán Nôm (ở trên) và bằng chữ thuần Việt (phía dưới). Mặt sau của trang thơ Nhật ký là 133 lời dạy của Bác với Đảng ta và với các tầng lớp Nhân dân về đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, lẽ sống và quan hệ quốc tế...

Không giấu được sự xúc động khi cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù” được công nhận kỷ lục Việt Nam. Nghệ nhân Phan Thanh Sơn cho biết đây là vinh dự, là phần thưởng vô cùng cao quý đối với bản thân mình.

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư cho biết, quận Gò Vấp vinh dự có 2 công dân đã góp sức lưu giữ, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm “Nhật ký trong tù”, đó là dịch giả Hoàng Bá Vy và nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn. Đây là niềm vinh dự không chỉ với cá nhân, gia đình mà cả với quận. “Chúng tôi hy vọng, sự công phu của tác giả cùng những nét bút bay bổng, uyển chuyển trong tác phẩm sẽ góp phần giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước sự độc đáo của nghệ thuật thư pháp chữ Việt, đồng thời lan tỏa hơn nữa và khơi dậy niềm đam mê khám phá, tìm hiểu những giá trị to lớn của tác phẩm “Nhật ký trong tù” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại”, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp bày tỏ.

Dịp này, Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Gò Vấp cũng tổ chức chương trình triển lãm sách, hình ảnh, thư pháp với chủ đề “Bác Hồ với nhân dân”./.

Kim Thoa (T/h)