Văn hóa - Xã hội

Quảng Ninh:phát triển du lịch biển đảo theo hướng bền vững

Huyền Vân 20:52 24/08/2023

Định hướng phát triển du lịch Quảng Ninh bền vững các sản phẩm du lịch sinh thái biển đảo  phải thực sự độc đáo, hấp dẫn, sang trọng và mới lạ. Đảm bảo cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao trong tổng thể phát triển kinh tế của Quảng Ninh nói chung, kinh tế du lịch nói riêng.

Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô theo quan điểm thống nhất mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với tổng thể phát triển sản phẩm du lịch chung của tỉnh Quảng Ninh. Hướng đến những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản của các giá trị văn hóa truyền thống, tính hoang sơ hấp dẫn, độc đáo của các giá trị tự nhiên, tính tiện nghi, hiện đại của giá trị sáng tạo từ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạọ. Theo quan điểm của tỉnh Quảng Ninh, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo phải thực sự độc đáo, khác biệt đảm bảo tiêu chí “hấp dẫn, sang trọng, mới lạ, sinh thái, bền vững” góp phần giảm tải cho vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, kinh tế du lịch nói riêng.

1(1).jpg
Vòng quay mặt trời điểm thu hút khách du lịch tại Hạ Long

Các sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô sẽ có tính kết nối giữa vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long với khu vực biển đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà (Hải Phòng), các vùng phụ cận dọc theo tuyến đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái và khu vực từ huyện Tiên Yên đến thành phố Móng Cái với mục tiêu tạo chuỗi các sản phẩm du lịch, kết nối các sản phẩm du lịch trên đất liền với các sản phẩm du lịch tại vùng biển đảo. Riêng trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh dự kiến có 38 sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác. Trong đó, có 28 sản phẩm du lịch đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm và 10 sản phẩm du lịch dự kiến đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch vào 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên hiện nay việc phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo nói riêng, du lịch nói chung vẫn còn gặp một số khó khăn. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong 28 sản phẩm dự kiến đưa vào khai thác trong 6 tháng đầu năm, hiện có 20 sản phẩm đã đưa vào khai thác đảm bảo theo tiến độ, 1 sản phẩm du lịch hoàn thành đưa vào khai thác trước tiến độ. 7 sản phẩm du lịch chưa đảm bảo tiến độ do vướng còn gặp một số vướng mắc, trong đó có 2 sản phẩm du lịch của thành phố Hạ Long có báo cáo đề xuất đưa ra khỏi danh sách các sản phẩm dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023 (sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sự, trải nghiệm Núi Bài Thơ và sản phẩm du lịch Phố đêm du thuyền). 10 sản phẩm hiện đang triển khai đưa vào khai thác trong 6 tháng cuối năm theo tiến độ đề ra, trong đó có 3 sản phẩm du lịch trên vịnh Bái Tử Long cơ bản sẽ không hoàn thành đưa vào khai thác theo tiến độ vì liên quan đến các quy định của Luật Lâm Nghiệp. Hiện nay, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đang tổ chức xây dựng Đề cương quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy việc triển khai các sản phẩm du lịch mới cần đảm bảo phù hợp với các lớp quy hoạch được phê duyệt, đây cũng là nội dung còn vướng mắc chưa thể triển khai ngay một số sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long.

2.png
Tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long

Đại diện Sở du lịch Quảng Ninh cho biết trong thời tới các sở, ngành tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị cấp có thẩm quyền có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển. Mặt khác, tập trung vào công tác đào tạo phát triển nhân lực, công tác quảng bá xúc tiến nhằm tạo được nhiều sản phẩm du lịch biển, đảo "độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, sang trọng, sinh thái, bền vững” đảm bảo cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, kinh tế du lịch nói riêng. Bên cạnh việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, Quảng Ninh đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, du lịch như: Tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, Tuần văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023. Lễ khai mạc Tuần văn hóa du lịch Bắc Giang và Khai hội xuân Tây Yên Tử tại Bắc Giang năm 2023. Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh. Hội nghị tuyên truyền chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh. Do đó kết quả hoạt động kinh doanh du lịch của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm 2023 rất tích cực, với 8,86 triệu lượt khách, đạt 108% kịch bản, bằng 161% cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt 16.660 tỷ đồng, đạt 100% kịch bản, bằng 156% cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 658.000 lượt, tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường khách quốc tế hàng đầu của Quảng Ninh được xác định là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ,Ấn Độ, Pháp, Anh, Australia, Đức, Malaysia, Canada.

3.jpg
Vịnh Bái Tử Long

Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, để tăng thu hút du khách đến với tỉnh Quảng Ninh, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được các địa phương đăng ký và đưa vào phục vụ du khách. Cụ thể TP Hạ Long cho ra mắt sản phẩm “Phố đêm du thuyền”, tham quan Hồ Hải Thịnh, nghe nhạc trên vịnh Hạ Long hay tuyến phố đêm, phố đi bộ ở khu vực chùa Long Tiên. TP Móng Cái cho ra mắt sản phẩm du lịch của vùng đất biên giới về ẩm thực, nông trại, cảnh quan thung lũng Tình Yêu, phiên chợ vùng cao Pò Hèn; Huyện Cô Tô cho ra mắt sản phẩm lặn biển tại Thanh Lân, cắm trại trên bãi Ba Châu, trên đảo Thanh Lân và tham quan các đảo gần bờ…

Hướng tới mục tiêu đón 15 triệu khách du lịch năm 2023, trong 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên những lợi thế sẵn có. Xây dựng đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong du lịch, số hóa điểm đến, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại./.

Huyền Vân