Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Sài Gòn nhớ Hà Nội

Kỳ An 24/08/2023 11:17

“Heo may về rồi, em có nhớ Hà Nội không?”. Sáng vừa thức giấc ở Sài Gòn, nhận được tin nhắn của người bạn thân ở Thủ đô qua điện thoại làm lòng tôi thấy nao nao nhớ biết bao kỉ niệm về Hà Nội.

net-thu-ha-thanh_1.jpg
Heo may về rồi, em có nhớ Hà Nội không? (ảnh: internet)

Cách đây vài năm, tôi theo học chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học xã hội nên cứ đều đặn vài tháng bản thân lại mua vé máy bay ra Hà Nội để tham gia các chuyên đề ngắn cùng thầy cô và các bạn. Tôi hay thuê một phòng trọ nhỏ để ở với hai chị học cùng trên tầng gác mái của ngôi nhà cổ nằm lặng lẽ ở phố Phan Đình Phùng. Bà chủ phòng trọ nơi tôi sống là một người rất tốt tính, thích nấu ăn cho mấy vị khách giàu chữ nghĩa nhưng nghèo tiền bạc. Mỗi khi trời Hà Nội chuyển gió heo may, bà thường hầm món canh đậu đen với xương heo cho chúng tôi ăn để giữ ấm cơ thể.

Tôi thích nhất là cảm giác khi tan học mỏi mệt trở về, nghe mùi thơm thoang thoảng khắp nhà. Chạy vội xuống bếp, thấy bà đang chăm chú khuấy một nồi canh nước đen, khói bay nghi ngút, phảng phất hương vị thơm tho. Mái tóc trắng phau phau búi lại gọn gàng bằng một chiếc trâm nhỏ, gương mặt bà phảng phất sau làn khói bếp.

“Bác ơi. Mùi gì thơm thế ạ?”

“Bác hầm canh đỗ đen. Con rửa tay rồi xuống ăn cùng nhé. Món canh này ăn cùng với cơm ngon lắm”.

canh-dau-den.jpg
Chạy vội xuống bếp, thấy bà đang chăm chú khuấy một nồi canh nước đen, khói bay nghi ngút, phảng phất hương vị thơm tho...

Tôi khẽ nhìn vào nồi, ngoài đậu đen còn có mấy miếng đuôi heo, lớp da bóng nhẫy bị nhuộm thành màu đen óng. Mùa thu Hà Nội, trời chuyển gió, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, thưởng thức món canh đậu đen, cảm nhận rõ vị ngọt bùi của đậu hoà quyện cùng sự béo ngậy của đuôi heo, thanh mà không ngấy. Bà thường bảo đậu đen phải ngâm một đêm, nấu nhiều giờ liền trên bếp, rồi canh lửa liu riu cho đến khi đậu bung nở đúng độ, mới đạt được độ thanh tao. Món canh đậu đen, chắc cũng vì sự kỳ công đó, mà trở thành nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng tôi về mùa thu Hà Nội khi trở lại Sài Gòn.

Nhớ cả những ban mai đầu thu, mỗi khi đến lớp, tôi hay thong thả đi chầm chậm, nhìn nắng mỏng như tơ, vương phủ, lan tỏa đến tận chân trời. Khi gió heo may luồn vào da thịt, bản thân chỉ khẽ khàng choàng thêm chiếc khăn len mỏng, rồi cứ thế đi miên man dưới những hàng cây có sắc lá vàng vọt, ngỡ ngàng nhìn không gian và sắc màu cùng hòa quyện, chuyển mình đến kì ảo. Có cảm tưởng những khoảnh khắc dịu dàng của mùa thu Hà Nội, nếu không chăm chú quan sát sẽ bị lướt qua, chao nhanh tựa như chiếc lá sớm lìa cành.

Nếu có nhiều thời gian hơn, tôi thích ngồi an tĩnh ngắm những hàng cây rủ bóng ven hồ. Đâu đó, dưới bóng cây, những con ngõ nhỏ ngoằn nghèo đôi khi thông giữa hai phố luôn gợi biết bao tò mò trong tôi. Những quả sấu giòn giòn chua chua, những bông hoa ngọc lan trắng muốt, bánh quế thơm giòn… là những phát hiện thú vị trong những lần đang đi trên phố bất chợt thích rẽ vào một ngõ nhỏ không quen.

cac-bac-ganh-hang.jpg
Với tôi không chỉ là một người, một gương mặt duy nhất, mà Hà Nội trong tôi là rất nhiều gương mặt, rất nhiều tình cảm.

Lại nhớ cả con đường Lý Thường Kiệt với hàng cây xà cừ xanh mướt, trổ hoa dịu dàng. Ngày xưa ấy có một thư viện của Viện Thông tin Khoa học xã hội mà tôi thường hay ghé, giờ thư viện đã chuyển về Liễu Giai, nhưng vẫn nhớ giọng cười nói của cô thủ thư lớn tuổi mỗi khi đến cậy nhờ tìm sách: “Này cô bé Sài Gòn, lại ra đấy à?”. Chắc cô ấn tượng với tôi cũng vì vẻ ngoài nhàn tản, hay cố tình nấn ná ở lại thư viện đến tận giờ đóng cửa, đôi khi chỉ để ngắm những khung cửa sổ lộng gió, xanh mướt màu trời trước mắt. Nhớ cả những quán cà phê lâu đời đã đi vào văn hóa của người Hà Nội như cà phê Lâm, cà phê Giảng… nơi có những chàng trai Hà Nội ngồi tay thờ ơ cầm tách cà phê, nét lãng tử hằn lên ở khóe mắt, nụ cười, nhìn tôi nháy mắt rất tình.

Nỗi nhớ mùa thu Hà Nội còn bao gồm cả những hàng phở ngon ở phố cổ, bán theo kiểu gia truyền từ đời ông cha rồi đến đời con cháu. Dẫu không gian cũ kỹ, chật hẹp, nhưng chất lượng món ăn và cách phục vụ vẫn giống hệt như ngày xưa. Đó cũng là chốn quen thuộc của thầy trò chúng tôi mỗi khi kết thúc môn học hoặc có vấn đề gì cần trao đổi thêm. Đôi lần, thấy mỏi mệt vì đời sống tất bật, thấy nhớ hành trình nỗ lực vì tri thức khi xưa, tôi hay quay lại Hà Nội, ngồi nhấm nháp bát phở thơm tho với nước dùng trong vắt, thấy lòng mình mềm đi đến kỳ lạ.

Nhớ cả những gương mặt yêu thương, những gương mặt đã khiến tôi lưu luyến Hà Nội như lời một bài hát nổi tiếng về Thủ đô: “ở nơi đó có một người, người mà tôi mến yêu”. Nhưng Hà Nội với tôi không chỉ là một người, một gương mặt duy nhất, mà Hà Nội trong tôi là rất nhiều gương mặt, rất nhiều tình cảm. Có những chàng trai hào hoa, ánh nhìn kiêu bạc, có những cô bạn gái xinh đẹp, cá tính mà vẫn dịu dàng, duyên dáng. Họ có thể rất khác nhau về tính cách, song đều có một điểm chung, đó là họ đều yêu thương Hà Nội và thương mến tôi.

Thi thoảng, có dịp quay về Hà Nội vào những buổi chiều thu, tôi hay chọn một góc quán quen, ngồi tựa lưng, nhìn ngắm dòng người hối hả ngược xuôi, bên con đường có hàng cây đẹp như tranh vẽ. Thấp thoáng vài chị gánh hàng hoa, cảm tưởng như chở cả mùa thu theo từng nhịp bước, bỗng thấy tim mình mềm đi theo từng nỗi nhớ.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Kỳ An. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Kỳ An