Công bố khai quật khảo cổ nền điện Cần Chánh - Đại nội Huế
Sau hơn một tháng triển khai, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã công bố kết quả khai quật khảo cổ điện Cần Chánh (Đại nội Huế).
Ngày 23/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia công bố kết quả khai quật khảo cổ học nền điện Cần Chánh (Đại nội Huế). Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành (Đại nội Huế).
Tại buổi công bố kết quả khai quật khảo cổ, đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu bước đầu tại các hố thăm dò trên diện tích khoảng 200m2. Theo đó, Điện Cần Chánh được xây dựng trên nền địa chất yếu và có khả năng trước đây là vùng ao hồ, sình lầy nên nền móng đã được gia cố thêm qua các đợt trùng tu.
Ông Nguyễn Ngọc Chất - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam – Phụ trách khảo cổ nền Điện Cần Chánh) cho biết, từ khi xây dựng vào năm 1804 thời Vua Gia Long đến khi bị phá hủy vào năm 1947, điện Cần Chánh đã trải qua 11 lần tu sửa với những mức độ khác nhau. Công tác khảo cổ học giúp xác định yếu tố nguyên gốc của nền móng công trình và các giai đoạn biến đổi địa tầng.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc khảo cổ điện Cần Chánh là cơ sở quan trọng nhằm xây dựng phương án tu bổ, phục hồi di tích trong thời gian tới.
Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long của triều Nguyễn. Đây là một trong những công trình chính và quan trọng bên trong Hoàng thành Huế và nằm trên trục thần đạo của Hoàng thành Huế cùng với các công trình quan trọng như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung…
Dưới thời nhà Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi làm việc của các vua, nơi diễn ra các tiệc, lễ quan trọng và mỗi tháng vua sẽ thiết triều 4 lần vào các ngày mồng 5, 10, 20, 25 âm lịch. Năm 1947, do chiến tranh nên di tích điện Cần Chánh đã bị phá hủy hoàn toàn và chỉ còn lại phần nền móng.