Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Đại Phùng (huyện Đan Phượng)

Sơn Dương (t/h) 22/08/2023 09:47

Chùa Đại Phùng hiện nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

chua-dai-phung-dp.jpg
Chùa Đại Phùng

Chùa Đại Phùng có tên chữ là Tam Giáo tự. Đại Phùng xưa thuộc xã Đại Phùng, tổng Đại Phùng hay còn được gọi là tổng Phùng mà thôn Đại Phùng vốn là một xã lớn nhất trong toàn tổng.

Chùa nằm trên một khu đất đẹp, xung quanh là vườn trồng các loại hoa, cây cảnh và cây ăn quả. Hiện tại chùa Đại Phùng gồm có Tam quan, chùa chính, nhà mẫu, nhà tổ, nhà khách. Tam quan chùa gồm 3 gian với 3 cửa khá rộng. Hạng mục này có 2 tầng, tầng trên để treo chuông, khánh với 4 bộ vì được tạo tác thống nhất theo kiểu “thượng giá chiêng hạ kẻ”, hoa văn hoạ tiết thể hiện tại các bộ vì này chủ yếu là lá lật. Tầng dưới chia 3 cửa thành 3 lối đi, riêng hàng cột quân tiền, quân hậu được làm bằng đá và đều có khắc những câu đối bằng chữ Hán. Chùa chính có bố cục kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường phía trước và Thượng điện nối kiểu chuôi về phía sau. Tiền đường chùa gồm 7 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri, bờ nóc, bờ đao đắp bờ đỉnh, các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo một kiểu thức trên mặt bằng 5 hàng chân cột “Thượng chồng rường con nhị, hạ xà nách rường nách, kẻ bẩy”. Trang trí trên tòa Tiền đường được làm đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén từ những súc gỗ vuông thiên về độ bền chắc và thông thoáng. Thượng điện chùa là một ngôi nhà dọc ba gian nối liền từ gian giữa Tiền đường vào. Các bộ vì tạo tác thống nhất theo một kiểu thức thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền xà nách.

Tam bảo có xây các bệ gạch cao dần từ ngoài vào trong làm nơi tọa lạc cho hệ thống tượng Phật của chùa. Trên Tam bảo, ở vị trí cao nhất có ba pho tượng Tam thế có kích thước và tạo dáng tương tự nhau, ngồi âm dương trên tòa sen. Lớp thứ 2 có tượng A Di Đà ở giữa, hai bên có 2 tượng Quan Âm. Lớp thứ 3, ngồi chính giữa là tượng Quan Âm chuẩn đề, hai bên là tượng thị nữ. Tượng ngồi trên đài sen gồm 4 lớp cánh đơn, 3 lớp ngửa, 1 lớp úp. Tượng có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Lớp thứ 4 là tượng Ngọc Hoàng ở giữa, 2 bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu có niên đại thế kỷ XIX. Lớp tiếp theo là tòa Cửu long. Ngoài Tiền đường có hai bộ tượng Đức Ông và Thánh Tăng. Trước Tam bảo đặt tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác với kích thước lớn. Ở hai bên của toà Thượng điện có hai pho tượng Khổng Tử và Thái thượng Lão quân. Đây chính là thể hiện điểm hợp dung Tam giáo: Phật - Lão – Nho.

Chùa Đại Phùng còn lưu giữ được một số di vật quý giá: 2 bia đá phong cách tạo tác thời Nguyễn, 1 khánh đá niên đại Gia Long 14 (1815), 1 khánh đồng, 9 bức hoành phi, gỗ sơn son thếp vàng, 2 biển gỗ đề bài minh, cùng một số đồ thờ tự khác...

Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)