Chùa Cự Đà (huyện Gia Lâm)
Chùa Cự Đà hiện nay thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Cự Đà tự. Một số văn bản chữ Hán hiện còn trong di tích cho biết chùa Cự Đà còn được mang tên là chùa Khoan Hồng, nhân dân địa phương gọi nôm là chùa Khoan Tế.
Chùa Cự Đà có niên đại ra đời từ rất sớm, khoảng vào thời Lý - Trần. Đây là một di tích Phật giáo, với tư tưởng khuyến thiện, trừ ác, luân hồi, nhân quả...; ngôi chùa đã gắn bó mật thiết với cuộc sống tinh thần của nhân địa phương, nơi bảo tồn, phát huy những giá văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ kế tiếp nhau của cộng đồng cư dân làng Khoan Tế. Trong khuôn viên của chùa Cự Đà còn có ngôi đền nhỏ thờ một trong hai vị thành hoàng làng Khoan Tế là Phúc Thần Phùng A - người có nhiều công lao với nước, với làng. Đền có kiến trúc kiểu chữ “nhị” với hai nếp nhà ngang xây tường hồi bít đốc, các vì của khung nhà là đơn giản dạng vì kèo quá giang. Trong khu đền vẫn bảo lưu được nhiều cổ vật quý của thời Lê và Nguyễn gồm bát bửu, một bộ đòn kiểu lớn thế kỷ XVII - XVIII và 7 đạo sắc phong với các niên hiệu như Cảnh Hưng thứ 44 năm 1783, Chiêu Thống nguyên niên 1787, Quang Trung ngũ niên 1792, Cảnh Thịnh nhị niên 1794, Bảo Hưng nhị niên 1802, Tự Đức thập niên 1857, Khải Định cửu niên 1924.
Hệ thống tượng tròn trong di tích chùa Cự Đà có quy mô lớn, niên đại ra đời sớm và được tạo tác tỷ mỷ, công phu. Trong hơn 30 pho tượng cổ hiện còn có 18 hiện vật có giá trị cao. Gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là 10 pho tượng có niên đại thế kỷ XVII - XVIII của thời Lê Trung hưng. Xét trên bình diện lịch sử mỹ thuật thì các pho tượng này có giá trị đặc biệt quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Độc đáo nhất là hai pho tượng Văn Thù và Phổ Hiền ngồi trên toà sen. Toàn bộ khối tượng đặt trên lưng hai linh vật quen thuộc là Thanh Sư và Bạch Tượng. Cách thể hiện đặc biệt này duy nhất mới chỉ bắt gặp trong di tích chùa Cự Đà.
Bộ di vật văn hóa lịch sử trong di tích rất phong phú, đa dạng gồm chuông, khánh đồng, bia đá... Hiện vật quý nhất của chùa là tấm bia cổ, trán cong trang trí uốn khúc kiểu yên ngựa, chầu mặt nguyệt diềm bia chạm cúc dây, phía dưới trang trí cánh sen, bên trong cánh sen có hình xoắn ốc. Bia được dựng năm Đức Long thứ sáu triều vua Lê Thần Tông (1634), mặt trước bia có đầu đề “Cự Đà tự bia ký” (bài ký trên bia chùa Cự Đà), mặt sau “Hoàng đế vạn vạn tuế thọ”. Bài ký do quan Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Tả thị lang Bộ Lễ, Xuân Lai hầu Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường, người xã Tiên Liệt, huyện Vĩnh Lại Hải Phòng đã soạn cho biết: “Chùa Cự Đà là một thắng cảnh của đạo Phật, ở đất xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, bên trái giáp Kim La, bên phải gần xã Thượng Tốn. Mấy dòng sông đẹp cuồn cuộn chầu ở phía trước, muôn dặm núi xanh sừng sững chắn ở đằng sau. Thật là chốn thắng cảnh chùa chiền nơi Thuận An Kinh Bắc. ...”.
Chùa Cự Đà đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02