Hoạt động hội

Tọa đàm về văn chương truyền miệng của người Việt

Thụy Phương 21/08/2023 17:41

Sáng 21/8, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Văn chương truyền miệng của người Việt” với sự tham gia của đông đảo các hội viên trong hội.

Tại buổi tọa đàm nhà nghiên cứu Yên Giang với phần trình bày công phu, tâm huyết đã giới thiệu từ bao quát đến cụ thể những đặc điểm cơ bản về văn chương truyền miệng của người Việt. 

z4623229328730_a1e3d3b55b82c30f748993902cc35373.jpg
Nhà nghiên cứu Yên Giang chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Theo nhà nghiên cứu Yên Giang, văn học dân gian truyền miệng là một thành tố của văn hóa dân gian Việt Nam, là tổng hòa những giá trị vật chất và tinh thần được loài người sáng tạo ra do nhu cầu và mục đích của cuộc sống của mình đã tích lũy được từ xưa đến nay. 

Gọi thể loại là văn chương truyền miệng vì đặc điểm của dòng văn chương này là người sáng tạo không thuộc về một cá nhân mà thuộc về một cộng đồng dân cư. Cách lưu truyền cũng không thông qua ghi chép (vì thời xưa, người Việt cũng như nhiều dân tộc khác chưa có chữ viết) mà chỉ truyền khẩu từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác, do vậy mà thường có ít nhiều dị bản.

z4623251545806_b14b1faae0606ed469a0b398a079ccb6.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Bên cạnh việc đề cập đến tên gọi, cách sáng tạo và lưu truyền của văn học dân gian, nhà nghiên cứu Yên Giang còn phác thảo các giai đoạn phát triển của văn chương truyền miệng trên cơ sở quá trình hình thành và phát triển của lịch sử và truyền thống văn hóa Việt Nam từ sơ sử đến nay; đồng thời điểm qua một số tác phẩm sưu tầm dịch thuật văn chương truyền miệng đã xuất bản trước đây. 

Từ việc khảo sát cách nói tài tình của người Việt trong kho tàng văn chương truyền miệng, tại buổi tọa đàm nhà nghiên cứu Yên Giang cũng đã dẫn ra những minh chứng về các thủ pháp đặc biệt được khai thác trong quá trình truyền khẩu như: nói vần, nói lái, nói ngược, nói ngoa, nói đối, nói bóng nói gió, nói ví von (so sánh)… Ngoài ra, ông còn đề cập tới nội dung cũng như các loại hình của văn chương truyền miệng (thành ngữ, tục ngữ, ca dao, diễn ca, câu đối, câu đố, truyện cười, truyện trạng, truyện thơ nôm khuyết danh, giai thoại…).

Theo nhà nghiên cứu Yên Giang, đề tài của buổi tọa đàm này là một trong nhiều việc, nhiều hướng nghiên cứu sưu tập và xuất bản kho tàng văn chương truyền miệng không chỉ của người Việt mà còn của cộng đồng 54 dân tộc anh em trong cùng một mái nhà Việt Nam.

“Kể từ sau thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã sưu tầm được một số bộ sách rất đáng quý như Lễ hội cổ truyền Thăng Long – Hà Nội (3 quyển), Sự tích các Thành hoàng Thăng Long – Hà Nội, Tục hay lệ lạ Thăng Long – Hà Nội, Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long – Hà Nội, Ẩm thực Thăng Long – Hà Nội, Chợ Thăng Long – Hà Nội”. Thời gian tới Hội cũng nên tiếp tục dự án sưu tầm văn hóa dân gian Hà Nội cổ truyền và hiện đại. Nếu dự án này được tiếp tục, hi vọng Hội sẽ có thêm bộ sách sưu tầm văn chương truyền miệng Hà Nội đồ sộ và rất giá trị trên cơ sở tư liệu các tác phẩm văn chương truyền miệng của Hà Tây và Hà Nội đã xuất bản trước đây”, nhà nghiên cứu Yên Giang bày tỏ.

z4623234338261_6ac36596381f212089dfc1603aba51bf.jpg
Nhà giáo Đặng Thiêm chia sẻ thêm về vấn đề đã được đề cập trong tọa đàm.

Góp thêm những ý kiến về văn chương truyền miệng, tại tọa đàm còn có chia sẻ của nhà giáo Đặng Thiêm, nhà nghiên cứu Dương Đình Minh Sơn, nhà nghiên cứu dân gian Trần Văn Mỹ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Đỗ Bảo, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung. Các ý kiến đều đánh giá cao phần trình bày công phu của nhà nghiên cứu Yên Giang, đồng thời gợi mở những hướng mới trong việc sưu tầm nghiên cứu văn chương truyền miệng ở Thủ đô.

z4623241600143_047a81169f46ad86a405d645504dbfc7.jpg
PGS. TS Trần Thị An phát biểu kết luận tọa đàm.

Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS. TS Trần Thị An, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết thời gian qua Hội đã tổ chức nhiều tọa đàm khoa học với các chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực liên ngành của văn hóa dân gian góp phần lan tỏa giá trị của văn hóa dân gian. Đối với đề xuất của nhà nghiên cứu Yên Giang về việc phát động dự án sưu tầm những tác phẩm văn chương truyền miệng mang thi pháp đặc biệt như đã đề cập trong phần trình bày, Hội hoan nghênh, khuyến khích và mong muốn sau buổi tọa đàm sẽ nhận được thêm những sưu tầm, nghiên cứu của các hội viên về chủ đề này./.

Thụy Phương