Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Cao Cương (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 20/08/2023 14:24

Chùa Cao Cương thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.

chua-cao-cuong.jpg
Chùa Cao Cương

Chùa Cao Cương có tên chữ là “Ứng Linh tự”, mang tên địa danh của thôn Cao Cương, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Chùa nằm ở phía tây Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 60km. Theo đường Quốc lộ 32A hướng Trung Hà, qua thị xã Sơn Tây khoảng 8km tới địa phận thôn Cao Cương, rẽ phải vào làng Cao Cương là tới di tích.

Nằm ở địa vực Phong Châu cổ, chùa Cao Cương có lịch sử xây dựng lâu đời. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của người Việt cổ cách ngày nay khoảng 4000 đến 2000 năm, với các di chỉ khảo cổ học như: Gò Hện (Vạn Thắng), Mão Sơn (Đông Quang), Cổ Đô, Đồng Chỗ. Như vậy, cùng với sự ra đời của làng xã Việt Nam, các chùa thờ Phật cũng đã được xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mọi tầng lớp của nhân dân.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Cao Cương là kiến trúc tôn giáo thờ Phật, nằm trên vùng đất mang dấu ấn lịch sử xa xưa. Niên đại khởi dựng của chùa hiện nay chưa tìm thấy cứ liệu chính xác, nhưng theo bài ký khắc trên bia còn lưu ở chùa thì chùa Cao Cương được xây dựng từ lâu đời, đến năm Mậu Ngọ Hoàng Định (1618) trùng tu phần Thượng điện và tạc thêm tượng. Năm 1626 (Vĩnh Tộ thứ 8 - Bính Dần) lại dựng toà Thiêu hương và Tiền đường. Trước kia, chùa nằm ở khuôn viên phía ngoài đê sông Hồng. Năm 1938, bờ sông Hồng bị lở, đe doạ trực tiếp đến di tích nên nhân dân Cao Cương đã di chuyển chùa về khu đất hiện nay với quy mô thu hẹp nhỏ lại.

Hiện nay chùa có một số công trình kiến trúc: Cổng Tam quan, gác chuông, chùa chính, điện Mẫu, nhà khách và nhà bếp của chùa.

Chùa chính có quy mô mặt bằng kiểu chữ “đinh”. Tiền đường gồm ba gian hai dĩ nhỏ, tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì kèo được kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng. Tam bảo chùa là một ngôi nhà dọc 2 gian 1 dĩ nối thông với gian giữa Tiền đường. Trong nhà các bệ được xây cao dần từ ngoài vào làm nơi đặt tượng Phật. Ở gian hồi bên phải toà Tiền đường là nơi đặt khám thờ quan nghè Nguyễn Tường, người làng Cao Cương, đã thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm Quý Mùi, đời vua Lê Quang Thuận (1463).

Phía sau chùa chính là nhà Tổ - Mẫu và các công trình phụ trợ. Nhà Tổ - Mẫu được xây dựng 5 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri cổ. Kết cấu vì kèo kiểu quá giang cột trốn.

Hiện nay, chùa Cao Cương có 28 pho tượng, đều làm bằng gỗ, phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XX. Mặc dù các pho tượng có kích thước không lớn song đều được tạo tác công phu, tỷ mỷ, có giá trị thẩm mỹ cao, là kho tàng di sản văn hoá vô giá mà chúng ta cần phải gìn giữ, bảo vệ.

Bên cạnh đó, chùa còn một số di vật bằng gỗ, đá khác mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn: 01 bức hoành phi, 02 tấm bia đá, 01 quả chuông đồng.

Chùa Cao Cương đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)