Dân ca Xa Mạc: Làn điệu "bắc cầu" tỏa sáng trên đất Thăng Long
Thuở xa xưa, trong lúc đi cấy, đi cày ngoài đồng ruộng, người dân thôn Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) hát đối đáp qua lại ngẫu nhiên để quên đi mệt mỏi, tạo nên hứng thú trong quá trình lao động sản xuất. Từ đó, hát dân ca Xa Mạc ra đời, hòa cùng đời sống tinh thần của người dân ngoại thành đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Làn điệu "bắc cầu" cho chèo, xẩm, ca trù
Xa Mạc là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, dù kinh tế - xã hội không ngừng phát triển nhưng nơi đây vẫn giữ được cái hồn của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình. Ít ai biết, từ xa xưa, thôn Xa Mạc đã lưu giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là làn điệu dân ca được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất nông nghiệp.
Chủ nhiệm CLB dân ca Xa Mạc – bà Nguyễn Thị Hải, chia sẻ, không ai biết những làn điệu dân ca gắn với tên gọi của thôn có tự bao giờ, chỉ biết khi sinh ra và lớn lên, người dân Xa Mạc đã được nghe những làn điệu hết sức trữ tình, mộc mạc, giàu bản sắc văn hóa, ca ngợi quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa…Người dân Xa Mạc hiện còn lưu giữ, bảo tồn được hàng trăm làn điệu dân ca, chèo cổ như lới lơ, cỏ lả, trống quân. Theo bà Nguyễn Thị Hải, ngày xưa mọi người thường hát điệu Xa Mạc bên dòng sông, dưới cánh đồng để gửi gắm tâm tình cho nhau. Rồi sau này, các thế hệ người dân thôn Xa Mạc gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể của quê hương tới cộng đồng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dân ca Xa Mạc là một điệu chèo cổ, với những nét đặc sắc riêng, với các câu hát chủ yếu dựa trên nền của thể thơ lục bát. Trong nghệ thuật sân khấu chèo, hát xẩm, ca trù người ta đã mượn làn điệu dân ca Xa Mạc để bắc cầu và hát dẫn vào đoạn chèo, bài xẩm...
“Nét độc đáo của hát dân ca Xa Mạc đó là giai điệu nhẹ nhàng, mềm mại được thể hiện bởi người có giọng ngâm truyền cảm, vừa mượt mà vừa sâu lắng. Nội dung các bài dân ca Xa Mạc có thể là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, các sinh hoạt thường ngày của người dân... thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống”, Chủ nhiệm CLB dân ca Xa Mạc Nguyễn Thị Hải, chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược, Phó Chủ nhiệm CLB dân ca Xa Mạc cho biết thêm, “Xa” là nhớ nhung, “Mạc” là làng. Là một làn điệu hát từ xa vọng lại của một làng nên gọi là dân ca Xa Mạc. Lối hát dân ca Xa Mạc thường hát hai câu một điệu, cho dù bài rất dài vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đó. Có nhiều làn điệu nhưng dân ca Xa Mạc chủ yếu hát ví theo thể thơ 6 – 8 (lục bát) được áp dụng trong nhiều hình thức như hát đố, hát ghẹo, giao duyên, hát ví vận. Nhạc cụ trong điệu hát Xa Mạc gồm 3 loại chính không thể thiếu, đó là sáo, đàn bầu và nhị trung (còn gọi là líu).
Không ngừng phát triển và lan tỏa
Để gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa dân ca Xa Mạc, CLB hát dân ca Xa Mạc đã được thành lập và hoạt động hàng chục năm nay tại xã Liên Hà. Hiện nay, CLB hát dân ca Xa Mạc có hơn 30 thành viên, đa số là những người trung niên và ở tuổi U70. Họ là những người đam mê văn hóa văn nghệ, có cùng mục đích gìn giữ, phát triển làn điệu dân ca của quê hương nên tự đóng kinh phí để hoạt động. “Vừa rồi, huyện Mê Linh đã tặng CLB một bộ âm li, tạo điều kiện để cho CLB hoạt động tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Hải hồ hởi, chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hải, CLB hát dân ca Xa Mạc hoạt động thường xuyên, cố định vào tối các ngày chẵn trong tuần. Lúc nông nhàn và không bận việc gia đình, đều đặc các tối trong tuần, CLB đều sinh hoạt, tập luyện tại nhà văn hóa thôn. Thời gian qua, CLB hát dân ca Xa Mạc cũng đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi gồm đền thờ Hai Bà Trưng, chương trình Chào năm mới của huyện Mê Linh, diễn tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày, các sự kiện của nhiều tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn xã, huyện và đi giao lưu với các đoàn nghệ thuật truyền thống trong, ngoài Thủ đô Hà Nội.
Cùng đó, những người tâm huyết với văn hóa truyền thống, đam mê làn điệu của quê hương cũng tận tâm tận lực để sưu tầm những làn điệu cổ, sáng tác những bản nhạc mới. Trong đó người năng nổ nhất không ai khác là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược, Phó Chủ nhiệm CLB hát dân ca Xa Mạc. Gần 50 năm, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược đã sưu tầm được hơn 100 làn điệu cổ, đồng thời đã soạn lời mới cho hàng trăm bài ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước đổi mới. Ngoài ra, ông “Lược chèo” cũng đã dựng hàng chục trường đoạn, ca cảnh để biểu diễn, có những tác phẩm đã được tôn vinh như ca cảnh “Anh chủ nhiệm”, “Làng văn hóa” đạt giải Nhất Hội diễn nghệ thuật truyền thống TP. Hà Nội lần lượt theo các năm 2014 và 2016.
“Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược là người nhiệt tình, tâm huyết với dân ca Xa Mạc. Ông đã tìm tòi, sưu tầm những làn điệu cổ, sáng tác những lời mới, dàn dựng các tiết mục hát múa để cho các thành viên trong CLB tập luyện, góp phần gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể do cha ông để lại”, bà Nguyễn Thị Hải tự hào về “cấp dưới”.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm CLB dân ca Xa Mạc nhiều năm qua còn mở các lớp truyền dạy cho người người dân địa phương, thế hệ trẻ. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược, gần 200 người đã có thể hát thành thạo làn điệu dân ca. Trong đó anh Nguyễn Văn Hà (thôn Xa Mạc, sinh năm 1987) là học trò của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược, đã được biên chế vào đoàn chèo Tổng cục Hậu cần.
Đặc biệt hơn, đã ở ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để lan tỏa dân ca Xa Mạc tới cộng đồng. Ông đã lập ra các trang facebook, tối cuối tuần, ông “Lược chèo” lại tổ chức live stream hát chèo, hát dân ca Xa Mạc, giới thiệu đến công chúng xa gần xa di sản văn hóa phi vật thể có một không hai ở địa phương. Chính cách làm này đã giúp làn điệu dân ca Xa Mạc vang xa, lan tỏa, được nhiều người dân không chỉ ở Hà Nội mà cả đất nước biết đến.
“Trong thâm tâm và ước muốn, tôi mong được đưa dân ca Xa Mạc vào các trường tiểu học, để các cháu biết hát, hiểu được nét đặc sắc, giúp di sản văn hóa phi vật thể dân ca Xa Mạc không bị mai một”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược bày tỏ./.