Bảo tồn và phát huy Di sản áo dài truyền thống

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:38, 04/01/2021

Nằm trong chuỗi hoạt động nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), hội thảo “Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay” do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội và CLB Đình làng Việt phối hợp tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và nghệ nhân làng nghề.
Bảo tồn và phát huy Di sản áo dài truyền thống
CLB Đình làng Việt đã có nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền về áo dài truyền thống.
Áo dài là trang phục truyền thống tiêu biểu, in đậm bản sắc Việt. Theo các tài liệu nghiên cứu, từ 2000 năm trước, áo dài đã xuất hiện trong đời sống người Việt hay xuất hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh. Sau này áo dài vẫn luôn là trang phục không thể thiếu của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu, chiếc áo dài giao lãnh là kiểu áo sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Đến thời vua Gia Long, áo ngũ thân xuất hiện. Trong hành trình phát triển của tà áo dài Việt Nam, một cuộc cách tân quan trọng với áo dài đó là sự xuất hiện của áo dài Lemur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường sáng tạo, cải biến từ áo ngũ thân. Tiếp đó là mẫu áo dài Raglan, đến áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay. Áo dài ngũ thân, tay chẽn, cài khuy cổ đứng (cả nam và nữ) được gọi là áo dài truyền thống còn các loại áo dài được các họa sĩ phát triển sau những năm 1930 đến nay được gọi là áo dài hiện đại…

Nhằm tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam, lan tỏa các giá trị truyền thống của áo dài Việt đến người dân và bạn bè quốc tế… nhiều cuộc hội thảo về áo dài cũng đã được tổ chức. Đặc biệt việc mặc áo dài đã và đang được hưởng ứng rộng rãi trên khắp cả nước, không chỉ trong các dịp lễ, tết, mà còn trong cuộc sống thường ngày. Tiêu biểu có thể kể đến phong trào mặc áo dài truyền thống của CLB Đình làng Việt; phong trào mặc áo dài nơi công sở do Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế phát động hồi tháng 9 vừa qua, hay mới đây nhất là việc nghệ sĩ Kim Xuân lên tiếng ủng hộ nam sinh mặc áo dài chào cờ đầu tuần, TS Hồ Minh Quang mặc áo dài đứng lớp. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của mọi người đối với trang phục truyền thống -  áo dài.

Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu vui thì còn có không ít những băn khoăn trăn trở trong việc bảo tồn và phát huy trang phục di sản áo dài truyền thống hiện nay. Nhiều ý kiến tại hội thảo đã bày tỏ sự trăn trở khi nhiều người Việt còn chưa hiểu hết về giá trị áo dài truyền thống; giá bán trang phục áo dài còn khá cao khiến người mặc ở tầng lớp bình dân hay các học sinh, sinh viên khó tiếp cận; đội ngũ nghệ nhân cắt may áo dài còn quá ít… Đáng chú ý, những khó khăn, vướng mắc khi đưa áo dài trở thành quốc phục và công nhận là di sản một lần nữa lại được đề cập tới. 

TS. Nguyễn Kim Hương, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khi đề cập đến các xu hướng cách tân áo dài hiện nay cũng đã chia sẻ sự trăn trở về những thiết kế áo dài cách tân xa rời bản sắc văn hóa, trong đó minh chứng rõ nhất là sự “lai tạp” trong các thiết kế áo dài của Việt Nam nhưng giống trang phục của Ấn Độ hoặc Trung Quốc, tạo nên sự sai lệch với di sản văn hóa của người Việt. 

Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, áo dài không đơn giản là trang phục mà là văn hóa, bởi thế nếu không bảo tồn tốt thì sẽ mai một, thất thoát các giá trị truyền thống. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc giữ gìn và bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống, chịu tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa thì việc giữ được nét văn hóa truyền thống qua trang phục là vô cùng quan trọng. Làm thế nào để di sản áo dài trở thành quốc phục, điều này rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, và không thể thiếu đó là sự phát triển về nhận thức của từng cá nhân trong cộng đồng trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. 

Bà Kim Thư - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc chia sẻ, nghề dệt lụa truyền thống dù đã tồn tại hàng ngàn năm nay nhưng cũng đang dần mai một do không thể cạnh tranh với sản xuất công nghiệp. Để các sản phẩm dệt của Việt Nam có mặt trong các trang phục áo dài truyền thống, theo bà Thư và một số các nghệ nhân làng nghề dệt Việt Nam cần  những chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ nghệ nhân, giúp họ gắn bó với nghề, truyền nghề cho lớp trẻ kế cận.

Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống nhấn mạnh: “Để bảo tồn di sản áo dài truyền thống cần phải xác định những yếu tố cơ sở áo dài truyền thống, nhận diện và phân biệt với các loại trang phục khác. Bên cạnh đó cần chú trọng việc đào tạo, truyền dạy nghệ nhân may, dệt, nguyên phụ liệu; giáo dục về di sản áo dài truyền thống cho thế hệ trẻ…”. 

Thanh Bình