…thì bạn ơi hãy đứng dậy mà đi!

Tản văn - Ngày đăng : 17:14, 27/06/2022

…thì bạn ơi  hãy đứng dậy mà đi!
Ấy là một câu trong mấy câu thơ của nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý thi thoảng vọng lại trong tôi: 
Nếu tay run bút cùn mực không chảy
Thì bạn ơi hãy đứng dậy mà đi
Đi sâu trong cuộc sống đẹp diệu kỳ
Tìm ở đấy những hồn thơ rung cảm nhất…
 “Hồn thơ” mà liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý nhắc đến, với tôi là sự rung cảm trước con người, cuộc sống mà người viết – dù là chỉ trong một bài báo ngắn ngủi của mình cũng luôn phải kiếm tìm, nuôi dưỡng.
Nhưng tìm kiếm, nuôi dưỡng cách nào khi thời đại số, thông tin cuồn cuộn nhảy từng giây và biến động theo từng cú nhấp chuột? Những ý nghĩ cũng nhảy nhót và tâm thế sống chậm, sống sâu trở nên một thách thức cho người cầm bút.
Không có cách nào khác, như người nông dân thả bàn chân trần của mình lên mặt đất mát rượi, người viết phải bước vào đời sống. Một đời sống ngoài kia chân thật và dữ dội, đầy những lo toan mà cũng rất đỗi dịu dàng. Một đời sống trả về cho người cầm bút sự yên tĩnh cần có để câu chữ bật ra tự nhiên, chân thành. 
Thuở mới vào nghề, tôi cứ băn khoăn không hiểu vì sao những trang viết của một người đi trước cứ tầng tầng lớp lớp những thông tin phía sau bề mặt một sự kiện? Cũng không hiểu ở đâu ra lớp phù sa dày dặn trong câu chuyện về những thân phận người dù là trong một trang báo giới hạn về câu chữ? Và nữa, một trường liên tưởng rộng sâu nhưng vẫn nhẩn nha, điềm đạm khiến người đọc không thể không bị cuốn hút?
Là bởi mỗi dòng, mỗi chữ kia đổ xuống trang viết đã chở theo bao trải nghiệm thực sự của người viết với cuộc đời. Những dấu chân đã in trên thực địa, những chuyến du hành thầm lặng trong tâm tưởng. Tất cả, cùng với thời gian và cùng chất men say tha thiết với cuộc đời để chưng cất thành ngọt đắng thấm vào câu chữ.
Thực vậy, không phải nơi ta đến mà là người ta gặp, đã dạy cho ta về nhiều lẽ. Vợ chồng người nông dân hái ớt trên cánh đồng ở thôn Trung Quan 2, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đội cả cái nắng mùa hè, đôi bàn tay thâm đen vì nhựa ớt - là người đã chỉ cho tôi chỗ đoạn sông kia, trước đây con giang bay về đậu trắng bãi bồi. Giờ bãi bồi không còn, bóng chim càng không thấy nữa… Một người lái thuyền chở tôi xuôi ngược đoạn sông này từ bến đò Văn Đức cũng kể lại ký ức của anh thuở ấu thơ theo cha đánh bắt trên sông. Nhưng những trù phú cá tôm thuở nào đã lùi vào quá khứ, đánh bắt bằng mọi giá đã làm cạn kiệt tài nguyên… Cảm thức về sông, với tôi trong lần ấy trở nên chân thật hơn bao giờ hết. 
…thì bạn ơi  hãy đứng dậy mà đi!
Cũng như vậy, hai cậu bé dân tộc Mông Hoa ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã cho tôi biết thế nào là một cuộc trình diễn tự nhiên, cuốn hút của trò chơi tulu (chơi quay) của đồng bào Mông. Cú bổ quay và rút dây phóng khoáng của hai cậu bé trên sân, dưới những gốc cây đang nảy lộc mang đến cho tôi cảm xúc thật đặc biệt về cuộc sống, con người vùng cao. 
Bước vào đời sống, sống với đời sống, dù ít dù nhiều, ta cũng nhận về những nguồn năng lượng dồi dào, tích cực. Những ngộ nhận, định kiến phần nào bớt đi trong cái hữu hạn nhận thức của người cầm bút. Và vì thế, càng đi càng khiêm tốn, càng thận trọng, đằm sâu. Trong căn bếp của gia đình người Mông làm homestay cạnh hồ thuỷ điện trên độ cao hơn 1600m so với mực nước biển, những hiểu biết về văn hóa của gần một triệu đồng bào H’Mông nước ta với tôi như được vỡ dần ra. Cảm nhận rõ rệt một tộc người không chỉ có dữ dội mà đầy thi tính. Kiên cường biết chừng nào và cũng  mơ mộng biết chừng nào để bám trụ cùng sương giá vùng cao. Sau này, tiếp cận tác phẩm nghiên cứu đầy chất thơ của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến “Những đỉnh núi du ca: Một lối tìm về cá tính H’Mông”, sự thấu cảm trong tôi về một tộc người và văn hóa đặc sắc của đồng bào càng trở nên mạnh mẽ.
Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, một vùng cửa sông ven biển giấu trong lòng nó câu chuyện về một đô thị từng là trung tâm của toàn tuyến duyên hải, biển đảo vùng Đông Bắc suốt một thời kỳ dài trong lịch sử. Những nếp nhà cổ, kiến trúc Pháp còn sót lại, phong thái đô thị in trên những vỉa hè sạch sẽ, nền nếp… Ra xa hơn, làng cổ trong đê lại thơ mộng theo cách khác - nơi trở thành bảo tàng sống về người và nghề gắn liền với sông nước, biển đảo. Cánh buồm của những con tàu cổ mô hình vẫn đỏ thắm trong ngôi nhà lão nghệ nhân… Thế hệ cháu con tiếp nối nghề cha ông nhưng biến động của đời sống buộc họ phải tìm ra những lối rẽ. Ngư dân lên bờ nhiều, không còn đi biển thì nghề đóng tàu cũng chững lại. Làng đóng tàu gỗ dần chuyển sang… phá tàu cũ, khai thác gỗ tàu biển cho các xưởng sản xuất đồ gỗ. Những buồn vui, trăn trở cứ tiếp nối như thể cả ngàn đời nay vẫn thế ở nơi bắt buộc phải hòa hợp với sóng gió này.
Và, càng đi càng thấy những điều được trải nghiệm, được cảm nhận liên tục như phù sa làm mát tâm hồn, bồi đắp cho những khô cằn, nhọc nhằn của vòng quay đời sống hiện đại. 
Cứ nhớ Henry David Thoreau - nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, nhà tự nhiên học người Mỹ, trong những bước chân suy tưởng của mình, đã nói: “Lòng khao khát tri thức của tôi lúc có, lúc không, nhưng lòng khao khát được đắm mình trong những bầu không khí xa lạ là bất biến, bất diệt”. 
Nếu không đắm mình vào trong đời sống ấy, trong bầu không khí những vùng đất mới ấy, biết chắt gì làm mực cho ngòi bút hôm nay? Một lần nữa, những lúc tưởng chừng cạn kiệt nguồn cảm hứng, câu chữ trở nên khó nhọc, thờ ơ tôi lại nghĩ đến câu thơ của Dương Thị Xuân Quý: “…thì bạn ơi hãy đứng dậy mà đi!” 

Tản văn của Hà An