Giáo dục

Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích các trường đánh giá học sinh thông qua bài thực hành trong khối THCS

Văn Thiện (T/h) 18:40 18/08/2023

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến khích các nhà trường đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học; bảo đảm yêu cầu trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

z4360053155248_754f6766bf4dbbae817a0cb125e38ad0.jpg
Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích các trường đánh giá học sinh thông qua bài thực hành trong khối THCS

Ngày 18-8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (Sở GD&ĐT Hà Nội) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 cấp trung học cơ sở.

Một trong những nhiệm vụ năm học mới của giáo dục trung học cơ sở thành phố là thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch, kiểm tra, đánh giá; xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của môn học phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong những năm gần đây quy mô trường, lớp học, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng phát triển, dự kiến năm học 2023-2024 toàn Thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 01 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội (tăng 34 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước), với 66.138 lớp (tăng 1.919 lớp so với cùng kỳ năm trước) và có 2.222.246 học sinh (tăng 68.917 học sinh so với cùng kỳ năm trước); có 124.493 giáo viên (tăng 1.525 giáo viên so với cùng kỳ năm trước) và 66.110 phòng học (tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó THCS có 658 trường, 15.119 lớp, 601.600 học sinh, tăng 57.744 học sinh so với cùng kỳ năm học trước, tăng 10,6%; trong đó, công lập có 614 trường, 13.700 lớp, 563.267 học sinh, tăng 54.946 học sinh, tăng 10,8%.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022-2023, các nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; đặc biệt coi trọng việc đổi mới kiểm tra đánh giá, chú trọng đánh giá quá trình. Các hình thức kiểm tra đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực học sinh; 100% nhà trường đã chú trọng dạy học phân hoá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng. Các đơn vị đều chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi ở tất cả các môn học, trong đó tập trung vào lớp cuối cấp (lớp 9).

Thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo", tại Hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch, kiểm tra, đánh giá; xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của môn học phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình.

Sở khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, Sở khuyến khích các nhà trường kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học phải bảo đảm yêu cầu trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh./.

Văn Thiện (T/h)