Lý luận - phê bình

Day trở một nỗi niềm thanh khiết

Lời bình của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim 18/08/2023 08:19

Trần Hòa Bình vốn là nhà giáo, đồng thời là nhà thơ. Nhà giáo/ người truyền đạt kiến thức, còn nhà thơ thì... phụ thuộc vào xúc cảm, vào những khoảnh khắc tâm trạng xuất thần, của phấn hứng sáng tạo... Dẫu đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều, sống và chiêm nghiệm nhưng cái được của nhà thơ là thu lại rất ít ỏi.

anh-mai-tam.jpg

Bạn đọc yêu thơ, nhớ đến thơ Trần Hòa Bình là bài “Thêm một”. Anh thường tâm sự: Với Bình, thích thơ thì làm, làm nhiều "sản xuất" thơ nhiều chỉ khổ cho bạn đọc ở thời buổi "lạm phát" thơ này. Lâu không đọc thơ Bình, tình cờ tìm được "Bài hát ru hoa sen" tôi đọc ngay vì lẽ bài thơ có liên quan đến vùng đất quê tôi, vùng Từ Sơn - Bắc Ninh; thứ nữa ít nhiều "đụng chạm" đến đời riêng của anh.

Bài thơ được viết trong đêm (khi bốn bề im ắng) ở một nghịch lý ru sen ngủ nhà thơ lại thức ngổn ngang bao nỗi niềm khi nhớ về một vùng quê ngan ngát hương sen với những nét thật gần gũi mà anh thương nhớ: “Ngủ đi những đóa sen/ Sen mọc bên nhà em/ Ta hái về thành phố/ Đêm nay Từ Sơn ta nhớ/ Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta…” Trong cô đơn, nhà thơ chỉ biết gửi gắm lòng mình vào những đóa hoa và tự hỏi: “Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?/ Ôi những đóa sen dè dặt cánh hồng”. Bình cầu mong trong một trạng thái bị dằn vặt và nỗi giày vò: “Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng/ Ta ru hoa một đêm dài đơn độc/ Và em nữa, đã bao giờ em khóc/ Trước hồn hoa trong vắt một ước nguyền/ Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền…” Trong sự tự thức: “Những bông hoa ta hái về chậm trễ” ấy nhưng ở Bình vẫn day trở một nỗi niềm trong sự thanh khiết của một người không dễ thổ lộ lòng mình ở cái tuổi đã ngoài bốn mươi: “Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình, em thức trong ta…” Ca dao cổ có câu "Cá buồn cá trở đầu đuôi/ Người buồn lên ngược xuống xuôi vẫn buồn". Huống chi là Bình vốn dễ xúc động, anh đã nén nỗi đau tan vỡ trong cảnh ngộ riêng mà: “Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa”, thầm mong đợi: “Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng trong một cảnh huống của hồi tưởng: “Nhớ về một đầm sen/ Thổi gió dài tóc em…”, mà sao hương hoa tình yêu, nỗi nhớ nhung cứ mãi phảng phất quanh ta.

"Bài hát ru hoa sen" của Trần Hòa Bình xoay quanh trục tâm điểm: Nỗi lòng và sự không bình ổn của nhà thơ và tập trung ở 3 đối tượng: “Ta thức/ Ru hoa ngủ và “Em vắng xa”. Ớ đây hoa chỉ là cái cớ cho nhà thơ ký thác tâm sự với em thông qua bài hát ru với nhiều cung bậc tình cảm. Buồn mà không thất vọng, bâng khuâng xao xuyến mà vẫn không rơi vào bi lụy, cô đơn vẫn nồng ấm tình đời, niềm riêng vẫn rộng ra với tình yêu lứa đôi... Tôi mừng cho Bình trong "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương" (Chế Lan Viên)/ một vùng quê dẫu sao cũng cho Bình giữ được trạng thái bình ổn trong đời sống tâm hồn. Và mừng hơn nữa là anh có thêm một bài thơ hay cho bạn bè và cho những người yêu thơ.

Bài hát ru hoa sen

Ngủ đi những đóa sen
Hoa mọc bên nhà em
Ta hái về thành phố
Đêm nay Từ Sơn ta nhớ
Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta?
Ngủ đi những đóa hoa
Giấc mơ yêu nồng thắm của
ta
Hết khổ đau lại chập chờn
hy vọng
Hạnh phúc là gì, hạnh phúc
có thật không?
Ôi những đóa sen dè dặt
cánh hồng...
Ngủ đi những đóa hoa vợ
chồng
Ta ru hoa một đêm dài đơn
độc
Và em nữa, đã bao giờ em
khóc
Trước hồn sen trong vắt một
ước nguyền
Trước những cánh sen quay
trong gió như thuyền?
Ngủ đi - nhưng đừng vào lãng
quên
Những đóa sen ta hái về
chậm trễ
Ta thương em mà không sao
thưa được
Ta yêu em mà không sao nói
được
Sen ngủ trong bình em thức
trong ta...
Ngủ đi những đóa hoa lạ nhà
Hãy mơ giùm ta một mùa hoa
đôi lứa
Đêm nay hồn ta lại nở
Nhớ một đầm sen
Thổi gió dài tóc em...

Trần Hòa Bình

Lời bình của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim