Chính sách & Quản lý

Khai thác tiềm năng sông Hồng trong phát triển Thủ đô

KTS Tuấn Minh 10:55 17/08/2023

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội”.

Như vậy, sông Hồng vẫn tiếp tục được khẳng định là trục cảnh quan chính của Thành phố Hà Nội.

2.song-hong.jpg
 Trong quy hoạch Thủ đô, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan chính của Thành phố Hà Nội.

Dòng sông Hồng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Thời phong kiến, sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong giao thông, buôn bán, giao thương giữa Kinh thành Thăng Long và các tỉnh, thành. Sông Hồng còn là địa danh với những giá trị lịch sử, những chiến thắng oanh liệt của đất nước chống giặc ngoại xâm. Ngày nay, hai bên sông Hồng còn lưu trữ nhiều giá trị đô thị đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, đó là Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, phố cũ, cảnh quan mặt nước hồ Tây, hồ Trúc Bạch, các làng cổ gắn với nghề truyền thống như làng trồng đào Nhật Tân, quất Quảng An, cá cảnh Yên Phụ, đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, các cây cầu gắn liền với lịch sử phát triển: Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Nhật Tân... Trong tương lai, khi thành phố phía Bắc được hình thành tạo cực tăng trưởng mới, sông Hồng thực sự trở thành trục không gian trung tâm kết nối đô thị hai bên bờ và đóng góp vai trò là không gian mở, lá phổi xanh giữa lòng đô thị Hà Nội.

Tuy nhiên, đáng tiếc là Hà Nội chưa khai thác được tiềm năng, giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan của dòng sông. Có nhiều nguyên nhân như sự tiếp cận hạn chế do ngăn cách giữa khu vực sông Hồng với khu vực khác bằng tuyến đê hiện có. Do biến thiên dòng chảy và chế độ thủy văn bất thường của sông Hồng, do quy định chặt chẽ về khai thác bãi sông tại Luật đê điều và Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2023, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023.

Những “xóm liều”, những khu dân cư chen chúc, nhếch nhác, được xây dựng thiếu kiểm soát ở khu vực An Dương, Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng... đã tạo thành một khu vực đô thị lộn xộn, thiếu thẩm mỹ, trong lòng không gian thành phố. Các hoạt động tự phát như việc xây dựng các Khu sinh thái nông nghiệp học tập và trải nghiệm, các nhà hàng, vui chơi giải trí, các vườn cảnh phục vụ tham quan, chụp ảnh “check in”, khu vui chơi dã ngoại, cắm trại, các hoạt động thể thao, văn hóa… của người dân tại bãi sông Hồng mới thấy Hà Nội lâu nay đã lãng phí một tài nguyên tự nhiên.

Nhận thức giá trị quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của khu vực, trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều đồ án, dự án, đề tài, ý tưởng nghiên cứu được triển khai. Vừa qua, Thành ủy Hà Nội ban hành Kết luận Hội nghị thứ mười hai Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố số 118–KL/TU ngày 15/5/2023, thống nhất kết luận nội dung: Về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065) trong đó nêu: “Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay”. Như vậy, Đồ án điều chỉnh vẫn tiếp tục kế thừa, hoàn thiện các định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 2011 (được cụ thể hóa bằng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND).

3.-quy-hoach-thu-do.jpg
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm.

Để hiện thực hóa định hướng, phát triển không gian sông Hồng thành trục không gian cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch… cần có những giải pháp, chính sách, kế hoạch triển khai phù hợp, cụ thể như:

Tăng cường khả năng tiếp cận với khu vực ngoài đê bằng cách xây dựng các tuyến giao thông kết nối giữa trong và ngoài đê. Trước mắt, tập trung đầu tư tuyến đường đô thị MCN 50m phía Nam sông Hồng, kết nối từ cầu Thượng Cát, cầu Nhật Tân đến khu vực cầu Vĩnh Tuy (cảng Hà Nội), đi qua các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; tuyến đường đô thị phía Bắc sông Hồng, đi qua các huyện Mê Linh, Đông Anh, quận Long Biên… Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, từng bước xây dựng đồng bộ (cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, chất thải rắn…).

Xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc khu vực dân cư cải tạo cũng như các khu vực phát triển mới, tránh hiện tượng xây dựng lộn xộn thiếu thẩm mỹ. Nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang nhà ở, trường học, vườn hoa, sân thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng, chợ dân sinh… nhằm nâng cao đời sống dân cư, thay đổi hình ảnh đô thị.

Tập trung đầu tư, gìn giữ, khai thác tiềm năng du lịch và giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề… mở rộng, đa dạng hóa điểm đến, loại hình du lịch, đối tượng khách tham quan, khai thác hiệu quả các tuyến du lịch dọc sông với các điểm du lịch nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, đền Hai Bà Trưng, thành cổ Cổ Loa, Hồ Tây, thành cổ Hà Nội, phố cổ Hà Nội, Hồ Gươm, khu Phố Cũ, cầu Long Biên, làng gốm Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử, Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên)… Chú trọng nâng cấp xây dựng các bến du thuyền và hệ thống giao thông kết nối. Phát triển những đội tàu khang trang, hiện đại để khách du lịch có thể ngắm phong cảnh Thủ đô.

Xây dựng các đề án, ý tưởng, dự án về khai thác bãi sông, hình thành các khu du lịch, vui chơi giải trí với các hoạt động ngoài trời, các công viên ven sông, khu vực thương mại dịch vụ đa dạng, sông Hồng sẽ phát huy được hết giá trị là trục cảnh quan, không gian xanh trung tâm của Hà Nội, trở thành điểm đến cho người dân Thủ đô và khu vực.

Khoanh vùng các khu vực được phép khai thác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án, tuân thủ địa hướng Quy hoạch phân khu cũng như quy định tại Luật Đê điều và Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều. Các khu vực phát triển mới, các công trình xây dựng cần đảm bảo mật độ khai thác, xây dựng theo quy định tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2023 và Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023, với nguyên tắc “thuận thiên”, không can thiệp quá nhiều vào tự nhiên mà dựa trên địa hình tự nhiên để khai thác, xây dựng, kết hợp với giải pháp giảm thiểu tác động khi có lũ vượt báo động cấp 2.

Khai thác tuyến đường thủy nội địa phục vụ nhu cầu giao thông thủy (vận chuyển đường thủy…).

Bổ sung cầu qua sông căn cứ vào dự báo lưu lượng giao thông, báo phát triển đô thị, dân số Bắc và Nam sông Hồng… Mỗi cây cầu là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, với không gian rộng, tầm nhìn không hạn chế, mỗi cây cầu sẽ là điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan, gắn với lịch sử văn hóa và tiến trình phát triển của Thủ đô.

Định hướng sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội trong tương lai, thực sự là thách thức, trăn trở của chính quyền cũng như người dân Thành phố. Hi vọng rằng với những giải pháp, quy hoạch, kế hoạch… đồng bộ, thiết thực thời gian tới những tiềm năng vốn có của sông Hồng sẽ được đánh thức, đồng thời lưu giữ, phát huy được các giá trị lịch sử, văn hóa, kết nối dòng chảy lịch sử trong lòng Thủ đô; hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho người dân, động lực phát triển cân bằng cho cả khu vực đô thị phía Bắc và phía Nam sông Hồng, là tấm gương phản ánh văn minh đô thị, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.

KTS Tuấn Minh