Bài 2: Văn hiến vùng đất cổ xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng
Hà Tây (cũ) được lập thành từ hai vùng đất cổ xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng. Đây là hai vùng đất thuộc đồng bằng Bắc bộ nhưng có sắc thái riêng của một tỉnh nằm ở đỉnh chóp, nơi khởi tạo tam giác châu thổ sông Hồng.
Địa hình Hà Tây gồm ba vùng rõ rệt: vùng núi cao có dải núi Ba Vì trong sách “Dư địa chí” Nguyễn Trãi gọi là núi tổ của quốc gia Đại Việt. Vùng trung du có làng Việt cổ Đường Lâm đất hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền). Vùng đồng bằng trù mật có các vựa lúa lớn: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai... Ngoài các ao hồ đồng ruộng, thiên nhiên còn ban tặng Hà Tây nhiều dòng sông là nguồn nước dồi dào cho nông nghiệp như: sông Đà, sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ. Tuy địa hình có khác nhau nhưng nghề chính của người dân là nghề trồng lúa nước. Họ là những chủ nhân đầu tiên của nền văn minh lúa nước nổi tiếng trong khu vực.
Đánh giá phẩm chất của hai vùng đất này, danh nhân người Sài Sơn - Phan Huy Chú (1782 – 1840) trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết rằng “Sơn Nam Thượng (có phần đất Hà Đông) là đất tụ khí anh hoa, tục gọi là văn nhã, là cái bình phong phên chắn của trung đô và là kho tàng của nhà vua. Xứ Đoài (có phần đất Sơn Tây) phong khí và nhân vật giống như đời cổ, thói quen theo tính thật thà, thật là một khu có hình thể tốt đẹp và là chỗ đất có khí thế hùng hậu”. Đây còn là nơi cận kề kinh đô. Thời các vua Hùng là đất Phong Châu; tiếp đó, thời Đại Việt là Đông đô Thăng Long, và nay là Hà Nội. Với địa thế ấy trải suốt chiều dài lịch sử dân tộc hầu như mọi diễn biến của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giữ nước giữ làng từ sơ sử đến hiện đại đều có công sức đóng góp lớn của nhân dân Hà Tây. Những ưu thế về địa lý cùng những truyền thống lao động yêu nước đã hun đúc nên phẩm chất con người Hà Tây, là nền tảng trí thức, là nhịp điệu tâm hồn giúp tiền nhân sáng tạo và để lại cho hôm nay một truyền thống văn hiến rực rỡ.
Khi nói về một vùng quê văn hiến người ta thường dùng cụm từ địa linh nhân kiệt (đất thiêng sinh người hào kiệt). Vùng đất Hà Tây như Phan Huy Chú đã viết “thực là đất tụ khí anh hoa, hào kiệt danh nhân đời nào cũng có”.
Nói tới vùng đất địa linh nhân kiệt không thể không nhắc tới các bậc thánh nhân anh hùng. Tục thờ thần điện Việt Nam có bốn vị được suy tôn là hiển thánh trường sinh gọi là tứ bất tử, trong số đó có 3 vị ở Hà Tây: Tản Viên Sơn thánh ở vùng núi Tản Viên (Ba Vì), Thiền Sư Từ Đạo Hạnh vùng đất Sài Sơn (Quốc Oai) và Chử Đồng Tử vùng đất bãi Tự Nhiên (Thường Tín). Tuy là những nhân vật huyền thoại nhưng cuộc đời họ rất gần gũi với tầng lớp thường dân, ý chí của họ mang khát vọng vươn tới làm chủ tự nhiên của cộng đồng người Việt.
Bên cạnh các bậc thánh nhân anh hùng thì các nhà khoa bảng cũng đã làm rạng danh cho văn hiến đất Hà Tây. Kể từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 1706 đến khoa thi cuối cùng của nhà Nguyễn năm 1919 cả nước có 2898 vị tiến sĩ, riêng Hà Tây đã chiếm tới 329 vị. Trong số đó nhiều vị từng là trụ cột của triều đại đương thời, đặc biệt hơn họ còn là những tác gia lớn với những tác phẩm để đời. Lần theo thời gian, có thể kể tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Trực, Ngô Sĩ Liên, Phùng Khắc Khoan, Dương Khuê... Ngoài các vị đại khoa trên còn phải kể đến các danh nhân có những công trình khoa học giá trị như danh y Hoàng Đôn Hòa, danh nhân Phan Huy Chú...
Truyền thống khoa bảng ở Hà Tây là truyền thống hiếu học, nhập thế giúp dân giúp nước. Truyền thống ấy không chỉ tạo nên những cá nhân kiệt xuất mà còn xây dựng nên những gia đình, những dòng họ những làng khoa bảng mà danh thơm đến nay còn lưu truyền.
Nếu tính từ sách “Lĩnh Nam chích quái” do Vũ Quỳnh và Kiều Phú sưu tầm ở thế kỷ XV có chép mấy truyền thuyết ghi ở vùng đất này thì cho đến nay đã có nhiều đầu sách sưu tầm văn hóa dân gian. Trước đây, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tây cũng đã xuất bản bộ “Kho tàng văn hóa dân gian Hà Tây” (2 quyển) tập hợp được cơ bản những vốn liếng của những ấn phẩm trước đó và sưu tầm thêm một lượng lớn tác phẩm trong đó có tục ngữ ca dao, vè, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ nôm, giai thoại.
Về nghệ thuật diễn xướng, có hát ví, hát ống, hát đúm, hát trống quân, hát dô, hát chèo, hát ca trù. Trải qua vài trăm năm dâu biển, nghệ thuật ca trù ở Hà Tây đến nay vẫn còn giữ được nhiều đền thờ Thánh tổ, vẫn còn hậu duệ của nhiều giáo phường, vẫn còn nhiều thư tịch cổ liên quan đến ca trù còn được bảo lưu. Những tên tuổi có công hoàn thiện thể thơ hát nói, gìn giữ phát triển ca trù ngoài tiến sĩ Dương Khuê còn có thi sĩ Tản Đà, nhà văn Nguyễn Đôn Phục.
Ở Hà Tây, nghệ thuật sân khấu đầu tiên xuất hiện dưới loại hình chèo rồi múa rối nước, chậm hơn là nghệ thuật tuồng. Nói tới chèo sân đình Hà Tây, trong giới thường nhắc tới chiếu chèo Đoài để phân biệt mấy tỉnh khác trong tứ trấn quanh kinh thành Thăng Long xưa. Chất chèo Đoài đến nay còn phảng phất ở các đội chèo trên vùng đất đá ong Thạch Thất, Quốc Oai.
Về nghệ thuật múa rối, ở Hà Tây cùng lúc lưu truyền cả rối nước và rối cạn. Múa rối cạn có các phường ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín. Trong rối cạn lại có phường Tế Tiêu (Mỹ Đức) với trò rối leo dây, rối tuồng. Tuy vậy, đặc sắc nhất phải kể tới múa rối nước. Chỉ một vùng kẻ Nủa, huyện Thạch Thất cùng lúc có tới ba phường: phường làng Ra, phường Yên Thôn và phường Chàng Sơn.
Về lễ hội, cũng rất phong phú, ngoài hội đình, hội chùa còn lại là các lễ hội khác. Lễ hội mang tầm toàn quốc và dài ngày nhất là lễ hội chùa Hương, diễn ra suốt ba tháng xuân, mỗi mùa thu hút hàng triệu du khách tới hành hương.
Lễ hội vùng lớn nhất là lễ hội đền Và (Sơn Tây) trung tâm tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn thánh mở vào tháng Giêng của dân 9 làng thuộc 4 xã của Hà Tây (cũ) và dân xã Vĩnh Ninh (tỉnh Vĩnh Phúc) cùng tổ chức với đám rước Thánh vượt qua sông Hồng.
Lễ hội có thời gian mở giữa hai lần dài ngày nhất (36 năm mở một lần) là lễ hội đền Khánh Xuân với tục hát dô ở Quốc Oai. Lễ hội có trò đánh biệt (đánh hổ) nổi tiếng trong vùng là lễ hội làng La Nội nay thuộc phường Dương Nội (Hà Đông). Lễ hội tưởng niệm trận chiến hoành tráng nhất là lễ hội Cầu Đơ nay là phường Hà Cầu (Hà Đông) mở vào tháng Giêng để tưởng niệm Thành hoàng làng tướng quân Đỗ Bí. Lễ hội có nguồn gốc cổ nhất là lễ hội làng Miêng (Ứng Hòa) mở vào tháng Giêng...
Di tích Hà Tây rất phong phú trong đó có thể kể tới đình, chùa, miếu, quán, đền và cả các di tích cách mạng cùng các loại khác. Đáng chú ý, nhiều ngôi chùa ở đây được dựng từ thời Lý như chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Đậu, chùa Mía, chùa Hoàng Kim... Các chùa này còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như bệ đá bách hoa ở chùa Thầy, bệ tượng Phật ở chùa Hoàng Kim, 18 vị La Hán ở chùa Tây Phương. Đặc biệt, ở chùa Đậu còn có hai pho tượng ướp xác hai vị thiền sư.
Ngôi đình ở Hà Tây được coi là xây dựng sớm nhất hiện biết trên toàn quốc là đình Thụy Phiêu ở Ba Vì dựng vào các năm 1531-1532. Đây là ngôi đình có kiến trúc mẫu cho đình làng Việt Nam. Ngoài ra, còn có các ngôi đình thời Mạc như đình Là ở Thường Tín, đình Tường Phiêu ở Phúc Thọ, đình Tây Đằng ở Ba Vì.
Đáng chú ý, nhiều di tích lưu giữ các tác phẩm điêu khắc, chạm gỗ độc đáo, tinh xảo như các bức chạm trên ván cốn ở đình Hoàng Xá, đình Chu Quyến, đình Đại Phùng, bức Bà Banh ở đình Yên Bồ, bức giá tượng ở đình Nội (Bình Đà)... “Nội thất” các di tích này được coi là những nhà bảo tàng trưng bày lưu giữ các tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ của nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian.
Và không chỉ dồi dào di tích, nguồn mạch văn nghệ dân gian, Hà Tây xưa còn được biết tới là “đất trăm nghề”, nghề nào cũng khéo, cũng tinh. Nhiều nghệ nhân từ xưa đã lên Thăng Long lập nghiệp mở ra các phố nghề góp phần hình thành nên 36 phố phường nơi Kẻ Chợ.
Có thể nói, lược khảo những thành tố chính tạo nên truyền thống văn hiến Hà Tây càng tự hào hơn những nét riêng ở vùng đất cổ này. Đây chính là “tài sản” vô giá góp phần làm nên nét đặc sắc, làm phong phú thêm truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội hôm nay./.
Tác giả: Yên Giang
Thiết kế: Phương Anh