Emagzine

Bài 1: Những cư dân “Hà Nội cổ” thời tiền - sơ sử trên đất xứ Đoài

Phương Anh 05/07/2023 15:08

Lịch sử Hà Nội được bắt đầu từ những bước chân đầu tiên của con người nguyên thủy thuộc thời đại Đá cũ trên những vùng đất cao, đồi gò xứ Đoài, thuộc huyện Ba Vì, nằm về phía tây bắc Hà Nội.

nhung-cu-dan-4-.jpg
nhung-cu-dan-1-_page-0001.jpg
bia-xu-doai-4-_page-0001-1-.jpg
0003.jpg

Các nhà địa chất mách bảo chúng ta rằng, Ba Vì là vùng đồng bằng xen kẽ đồi gò được tạo lập bởi sự xâm thực chia cắt các thềm đá gốc và thềm phù sa cổ sông Hồng và sông Đà. Các đồi gò ở đây thường cao từ 10m đến 30m, đỉnh bằng, sườn dốc thoải. Đây chính là dấu tích của loạt thềm bậc II sông Hồng và sông Đà. Hiện tại trên những khu đồi gò này, nhân dân địa phương đang canh tác trồng màu, trồng sắn, trồng dứa… Chính trên bề mặt các đồi gò này, như ở Đồi Cạn thuộc xã Thái Hòa, gò Núi Quang xã Cổ Đô, gò xóm Liên xã Minh Quang, gò Chùa xã Vạn Thắng, đồi Cống Chuốc xã Vật Lại, gò Lương Tụ xã Phú Sơn, các nhà khảo cổ đã phát hiện gần 10 di tích với hàng trăm di vật thời Đá cũ. Tất cả di vật trên đều được chế tác từ đá cuội sông suối với kỹ thuật chế tác ghè đẽo còn rất đơn sơ, nguyên thủy. Đó là những công cụ lao động dùng để chặt cây, nạo da thú, đập hạt cây, hoặc là vũ khí lợi hại để chống lại thú dữ, phục vụ cho công việc săn bắt hái lượm.

nhung-cu-dan-1-.jpg

Với những đặc trưng nổi bật của các di tích, di vật, các nhà khảo cổ đã xếp các di tích nguyên thủy ở Ba Vì vào niên đại hậu kỳ Đá cũ, cách ngày nay khoảng 20.000 năm. Có nhiều bằng chứng cho thấy, cư dân nguyên thủy vùng Ba Vì có mối quan hệ chặt chẽ với các cư dân đương thời trên đất Phú Thọ liền kề.

Chứng tích vật chất từ những ngôi làng Đông Sơn cổ cho thấy những cư dân thời này phát triển mạnh nền nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá, đồng thời đẩy mạnh những nghề thủ công như chế tác đồ kim loại, đồ đá, đồ gốm, đồ mộc, các đồ trang sức mỹ nghệ trao đổi với các cư dân lân cận.

Mặc dù chưa tìm thấy dấu tích nhà cửa, mộ táng, nhưng các nhà nghiên cứu nhận định đây là những di tích cư trú của người nguyên thuỷ trên bề mặt những bậc thềm sông cổ. Khu vực gò đồi Cống Chuốc xã Vật Lại, hoặc gò đồi Lương Tụ xã Phú Sơn, nơi tập trung nhiều di vật có thể coi là trung tâm cư trú của người tiền sử. Đó là những dấu tích đầu tiên của cư dân nguyên thủy, hay nói theo cách hiện đại, đó là những cư dân “Hà Nội cổ” đầu tiên tìm thấy trên đất xứ Đoài.

nhung-cu-dan-1-.jpg
3.jpg

Về mặt thể chất, người nguyên thủy Ba Vì đã là những người khôn ngoan (Homo sapiens sapiens). Họ sống thành từng nhóm, kiểu gia đình sơ khai gắn kết với nhau theo huyết tộc dòng Mẹ (mẫu hệ). Người phụ nữ đương thời có vai trò rất quan trọng trong thị tộc, trong cộng đồng. Họ chưa hề biết đến chăn nuôi và trồng trọt. Nguồn cung cấp thức ăn hằng ngày trông chờ vào sản vật thiên nhiên trong những thung lũng, thảm rừng từ những cuộc săn bắt và hái lượm. Việc săn bắt chủ yếu do người đàn ông đảm nhận, việc hái lượm phần lớn là công việc của phụ nữ và những người già yếu, trẻ em. Đó là sự phân công lao động tự nhiên theo giới tính và theo lứa tuổi trong bầy người nguyên thuỷ. Chính những con người đó, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại, đã sáng tạo nên một nền văn hóa Đá cũ trên mảnh đất Ba Vì, góp phần quan trọng vào việc hình thành cội nguồn của cư dân Việt cổ, văn hóa Việt cổ.              

0007.jpg

Đến nay đã phát hiện trên 170 di tích văn hóa Hòa Bình phân bố chủ yếu trên các khu vực miền núi phía Bắc đến vùng sơn khối đá vôi tây Nghệ An, Quảng Bình. Ở Hà Nội, tại vùng sơn khối đá vôi Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, nơi xứ Đoài tiếp giáp với xứ Sơn Nam xưa, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 4 di chỉ hang động của cư dân văn hóa Hòa Bình, trong đó nổi bật hơn cả là hang Sũng Sàm.

0004(3).jpg

Tại hang Sũng Sàm, tầng văn hóa khảo cổ dày hơn 1,5m hàm chứa phong phú những dấu vết cổ nhân, xương răng động vật và đặc biệt là hàng ngàn công cụ đá được chế tác với kỹ thuật tinh xảo hơn thời Đá cũ. Đáng chú ý là đã phát hiện những chiếc rìu mài phần lưỡi vô cùng sắc bén, bằng chứng của kỹ thuật mài xuất hiện, đánh dấu sự hình thành cuộc cách mạng Đá mới trong văn hóa tiền sử Việt Nam. Nổi bật hơn cả là đã tìm thấy hàng trăm mảnh gốm thô có tuổi trên 10.000 năm cách nay được xem như những đồ gốm tiền sử sớm ở nước ta. Cộng đồng cư dân cổ nơi đây với những công cụ lao động sắc bén tiếp tục kiếm sống bằng kinh tế khai thác bởi nguồn thức ăn thiên nhiên ở đây rất dồi dào.

0001a.jpg

Sau thời văn hóa Hòa Bình, vào khoảng 7.000 đến 5.000 năm trước, đợt biển tiến Flandrian dâng lên đến vị trí cao nhất, đạt tới 4-5 mét so với mực nước biển hiện tại. Lúc bấy giờ, Hà Nội trở thành một vịnh biển: Vịnh Hà Nội. Cho đến nay, trên đất Hà Nội chỉ duy nhất một địa điểm cư trú của cư dân thời kỳ này được phát hiện: Đó là di chỉ đồi Gò Ròn, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì.

0002a.jpg

Vào thời kỳ này, đường bờ biển đã rút khá xa về phía đông. Một vùng châu thổ mới tạo lập với nhiều phù sa các con sông lớn đắp đầy, nhất là hệ thống sông Hồng có sức hút lớn đối với các cư dân tiền sử đến khai phá, kiếm sống.

Cũng ở vào thời kỳ này, đánh dấu bước chuyển tiếp từ giai đoạn hậu kỳ Đá mới sang sơ kỳ Kim khí, cư dân cổ từ miền trung du xuôi theo các triền sông lớn, di chuyển từ hướng bắc và tây bắc về cư trú vùng Hà Nội, mở đầu cho công cuộc khai phá và chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ. Buổi đầu họ đã chọn vùng đồng bằng cao, sáng tạo nên các văn hóa Tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun) phát triển liên tục, kế tiếp nhau là cơ sở vật chất của thời Tiền Hùng Vương ở Hà Nội.

nhung-cu-dan.jpg

Đến nay, trên đất Hà Nội đã phát hiện được gần 40 địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn, trong đó phần lớn phân bố trên những khu vực đồng bằng cao xứ Đoài, điển hình là các di tích tìm thấy ở các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Mê Linh. Số di tích còn lại phân bố ở vùng Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Từ Liêm... Những cư dân “Hà Nội cổ” thời kỳ này thực sự là những người làm nông trồng lúa nước, phát triển nhiều ngành nghề thủ công trên vùng đồng bằng châu thổ mới hình thành.

nhung-cu-dan-3-_page-0001.jpg
0011.jpg

Đây là nền văn hóa vật chất minh chứng xác thực về sự ra đời và phát triển của nhà nước Văn Lang của các vua Hùng và sự kế tiếp của nước Âu Lạc thời vua An Dương Vương. Những chứng cứ văn hóa khảo cổ học lần nữa cho thấy, xứ Đoài là miền đất linh thiêng, nơi gặp gỡ của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Đà, là vùng đất gốc của người Việt cổ và nền văn minh Việt cổ, nơi khởi nguồn của nền văn minh sông Hồng, chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của nhà nước đầu tiên của người Việt cổ.

nhung-cu-dan-4-_page-0001.jpg
0006(2).jpg

Chứng tích vật chất từ những ngôi làng Đông Sơn cổ cho thấy những cư dân thời này phát triển mạnh nền nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá, đồng thời đẩy mạnh những nghề thủ công như chế tác đồ kim loại, đồ đá, đồ gốm, đồ mộc, các đồ trang sức mỹ nghệ trao đổi với các cư dân lân cận.

0008(4).jpg

Điểm qua một vài nét tiêu biểu về thời tiền - sơ sử Hà Nội từ hàng vạn, hàng nghìn năm trước, kể từ khi những bước chân nguyên thủy đầu tiên của người “Hà Nội cổ” trên đất Ba Vì, chúng ta thấy được vị trí và tầm vóc rất quan trọng của con người và văn hóa xứ Đoài trong lịch sử. Giờ đây, xứ Đoài trở thành một địa danh luôn tràn đầy trầm tích văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Xứ Đoài vẫn luôn là mảnh đất địa linh nhân kiệt mang khí thiêng sông núi, có sức sống mãnh liệt trường tồn mãi với thời gian./.

Tác giả: PGS.TS Trình Năng Chung

Thiết kế: Phương Anh

Phương Anh