Tôn vinh cuộc đời sống và viết của nhà báo Thái Duy
"Thái Duy - sống và viết" là buổi trưng bày chuyên đề, chiếu phim về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo lão thành Thái Duy, 97 tuổi.
Chiều 9/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức chiếu phim, trưng bày chuyên đề và tọa đàm "Thái Duy - Sống và Viết".
Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023), Quốc khánh 2/9, hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926, tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1949, ông bắt đầu làm Báo Cứu Quốc. Đầu năm 1964, ông cùng Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc, Trần Phong (bút danh Kỳ Phương) và Thư ký tòa soạn Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Ngày 4/2/1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập vào Báo Đại Đoàn Kết và ra số đầu tiên ngày 5/2/1977. Ông là cây bút chủ lực của Báo Đại Đoàn Kết, đến năm 1995 thì nghỉ hưu.
Tác phẩm báo chí của nhà báo Thái Duy không chỉ là những dẫn chứng sắc bén từ thực tế, rực lửa chiến đấu, can đảm hy sinh mà còn có tính lý luận.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam - cho biết, suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một chức vụ duy nhất là phóng viên, với mục tiêu cầm bút là viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. Ông chính là tác giả của tác phẩm đỉnh cao xuất bản hàng triệu bản ra khắp thế giới, được nhiều lãnh tụ coi trọng, tiếp đón thân tình.
"Ông từng nói, chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi! Ông chính là tác giả của tác phẩm đỉnh cao Sống như Anh được xuất bản hàng triệu bản ra khắp thế giới, được nhiều lãnh tụ coi trọng, tiếp đón thân tình.
Sống như là viết, viết là sống. Cả cuộc đời làm báo của nhà báo Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để "Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt" như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc", nhà báo Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.
Nhân sự kiện này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng cho ra mắt bộ phim tài liệu đầu tiên về nhà báo Thái Duy mang tên "Thái Duy - Sống và viết". Trong thời lượng 30 phút, với nhiều tư liệu, hình ảnh, bộ phim mang đến câu chuyện thú vị về một nhà báo đi qua các cuộc kháng chiến và tiếp tục có những cống hiến xuất sắc trong thời bình.
Bộ phim tập trung vào những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy đồng thời tri ân những đóng góp của ông với nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngoài ra, còn có 7 tủ trưng bày tài liệu, hiện vật gồm bản thảo đánh máy, một số bài viết trên báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết, sách Sống như Anh, Khoán "chui" hay là chết, thư các tử tù gửi nhà báo Thái Duy, đồ dùng trong quá trình công tác của nhà báo Thái Duy…
Buổi tọa đàm với sự tham gia của các nhà báo lão thành, các chuyên gia báo chí, các đồng nghiệp làm báo các thời kỳ cùng thời với nhà báo Thái Duy, đại diện gia đình và đoàn làm phim… đã giúp người tham dự chương trình hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của nhà báo Thái Duy./.