Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Yên Thành (quận Ba Đình)

Sơn Dương (t/h) 09/08/2023 11:27

Đền Yên Thành thuộc địa phận phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

den-yen-thanh.jpg
Đền Yên Thành

Đền Yên Thành là tên gọi theo địa danh của làng Yên Thành xưa. Thời Lê, Yên Thành là một trong số 8 làng có tên gọi bắt đầu bằng chữ “Yên”, thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Tám làng đó ở vị trí giữa Trúc Bạch và hồ Mã Cảnh (Cổ ngựa). Tám làng có vị trí từ đông sang tây là: Yên Thuận, Yên Ninh, Yên Thành, Yên Viên, Yên Cảnh, Yên Diên, Yên Định và Yên Quang. Đền Yên Thành hiện nay ở số nhà 28 phố Phan Huy Ích, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Đền Yên Thành có lịch sử tạo dựng khá sớm. Đền là nơi duy nhất thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng và 8 vị vua triều Lý ở nội thành Hà Nội. Triều đại nhà Lý trải qua 216 năm (1009 - 1225), chín đời vua lấy quốc hiệu là Đại Việt, kinh đô Thăng Long - là một trong những triều đại mở đầu cho việc xây dựng nền độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc ta sau 1000 năm Bắc thuộc.

Ngôi đền là di tích tín ngưỡng thờ thần hoàng làng. Thần là vị vua bà duy nhất ở kỷ nguyên Đại Việt dài tám thế kỷ, trải từ triều Lý đến thời hậu Lê. Vua bà Lý Chiêu Hoàng tuy chỉ ở ngôi hoàng đế trong hai năm, sau đó phải chuyển ngôi cho Trần Cảnh, nhưng bà là người vốn có tư chất hiền thục, là người con hiếu thảo với tổ tông, biết nối dòng giữ nước. Bà là một vị hoàng đế cuối triều Lý, là hoàng hậu Chiêu Thánh của triều Trần nhưng luôn quý trọng việc nối dòng giữ nước hơn cả biển bạc núi vàng. Suốt cuộc đời bà đã hy sinh và chịu đựng nhiều gian khổ, khi dời cung cấm đi ngao du, giảng kinh Phật ở nhiều nơi, bà luôn giúp dân phát chẩn bần cứu tế khuyên dân chăm lo làm ăn. Khi mất, bà được nhân dân nhiều nơi như làng Giao Tự, làng Cổ Pháp quê hương, làng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, thành Thăng Long tôn làm thành hoàng làng. Các triều đại về sau đều ban sắc phong thần. Sự hiện diện của phúc thần Lý Chiêu Hoàng và 8 vị vua triều Lý thờ tại đền Yên Thành là nguồn tài liệu quý giá trong việc tìm hiểu về phong tục tập quán của một cộng đồng dân cư trong nội thành Thăng Long từ triều Lý qua các triều đại kế tiếp sau.

Đền Yên Thành là một kiến trúc tín ngưỡng, có quy mô không lớn, toạ lạc trong khu vực phố phường đông dân cư. Di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng công trình kiến trúc chính của đền vẫn được bảo tồn cơ bản so với kiến trúc cũ. Trong các nếp nhà, lối kết cấu truyền thống vẫn được bảo lưu, các mảng chạm trang trí trên bẩy hiện, kẻ, trụ, đấu được thể hiện mạch lạc, chau chuốt mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.

Di tích đền Yên Thành hiện còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị trong kho tàng di sản văn hoá nước nhà như: Bộ sưu tập tượng thờ nghệ thuật thế kỷ XIX; các di vật khác như kiệu rước, hương án, sập thờ, cửa võng… là những hiện vật mang giá trị nghệ thuật cao của thế kỷ XIX. Những di vật của đền được những nghệ nhân xưa tạo tác rất công phu, tỷ mỷ và sơn son thếp lộng lẫy, đặc biệt là pho tượng bà Lý Chiêu Hoàng được thể hiện mang tính chân dung cao.

Nguồn tư liệu thành văn còn lưu lại tại đền như: thần tích, bia đá, hoành phi, câu đối là nguồn sử liệu quý góp phần tìm hiểu về lịch sử văn hoá, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư.

Đền Yên Thành đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)