Bài cuối: Hợp thành dòng chảy tinh hoa
Sự hợp lưu giữa văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài càng làm phong phú thêm bản sắc văn hóa kinh kỳ, đồng thời định hình một tầm vóc mới cho Thủ đô.
Theo GS. Kiều Thu Hoạch, xứ Đoài cùng với xứ Đông, xứ Nam, xứ Bắc là tên gọi theo phương vị của 4 trấn Sơn Tây, Hải Dương, Sơn Nam, Kinh Bắc nằm kề cận quanh kinh đô Thăng Long. Trong số đó, Sơn Tây theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi là trấn thứ hai trong 4 kinh trấn và là phên dậu phía tây Thượng Kinh thời Lê. Xứ Đoài xưa là một vùng đất rộng lớn với núi Ba Vì làm trục, xung quanh hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng và sông Đà, bao gồm một phần tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Phúc Yên (cũ) và toàn bộ tỉnh Sơn Tây (cũ) (Theo Sơn Tây tỉnh chí, 1941 của Phạm Xuân Độ). Sau này, dưới chế độ mới, tỉnh Hà Tây (cũ) được thành lập do sự sáp nhập Sơn Tây và Hà Đông, toàn bộ phần tả ngạn sông Đà và sông Hồng thuộc các tỉnh khác. Tuy nhiên, khi nói đến Hà Tây là người ta nghĩ đến xứ Đoài, còn phần Hà Đông là thuộc trấn Sơn Nam Thượng.
“Xét về mặt văn hóa lịch sử, thì Sơn Tây - xứ Đoài cũng như xứ Đoài nói chung là nơi phong tục chất phác, mộc mạc và còn giữ được những bản sắc của văn hóa Việt cổ. Dù đã bao lần thay đổi vị thế hành chính nhưng cái cốt cách xứ Đoài, cái hồn văn hóa bản thổ của xứ sở thì vẫn như còn lắng đọng đâu đó trong tâm thức dân gian, trong các tập tục cổ truyền, trong các kiến trúc “đình Đoài”, trong các câu ca dao ngạn ngữ, trong những mảng tường đá ong và những con đường đất đỏ màu son lượn quanh đồi tím phớt hoa mua…”, GS. Kiều Thu Hoạch nhận định.
PGS. TS. Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Vùng đất Sơn Tây xưa hay nay chắc chắn là nơi cốt lõi, là địa bàn chính của xứ Đoài. Nơi đây với non Tản sông Đà đã tạo nên một xứ Đoài đặc trưng cho văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa tứ trấn của Hà Nội hôm nay nói riêng. Chính địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng miền đất xứ Đoài ấy đã tạo nên một vùng văn hóa với một ngọn núi linh thiêng cho cả dân tộc, một thành cổ Sơn Tây - địa danh chứa đựng biết bao nhiêu chứng tích lịch sử, văn hóa”.
Cái tên xứ Đoài đã đi sâu vào tâm thức dân gian từ lâu đời và thường xuất hiện như một không gian văn hóa. Cũng bởi thế, khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội thì những giá trị văn hóa của vùng đất cổ này cũng đã góp phần bồi đắp thêm sự đặc sắc, phong phú cho văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.
Nói như nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội thì điều quan trọng đối với văn hóa và tâm linh con người từ thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính ấy đó chính là Thủ đô mới đã ôm trọn trong mình thế mạnh không đâu có của hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” tự ngàn đời, hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài nổi trội nhiều mặt trong lịch sử và tạo ra thế đứng ưu việt trên bình diện cả nước. “Ai cũng biết vùng đất Hà Nội cũ là vùng văn hiến từ lâu đời, trung tâm của nền văn minh sông Hồng, đã có từ bốn đến năm nghìn năm lịch sử. Nhưng cũng không ai là không biết vùng văn hóa xứ Đoài cũng hết sức nổi tiếng, với biết bao chứng tích văn hóa vật thể và phi vật thể, làm rạng danh cả nước”, nhà thơ Bằng Việt khẳng định và ông minh chứng thêm bằng câu ca dao mới đã có trong dân gian từ thế kỷ trước: “Một vùng trời đất gấm hoa/ Nhìn vào quê lụa, nhìn ra kinh kỳ/Ngàn năm văn vật đâu bì/ Hà Tây, Hà Nội đi về có nhau!”
Lại nhớ, trong một bài viết “Hà Nội với Hà Tây trước đây”, cố nhà văn Tô Hoài cũng đã khẳng định “quan hệ giữa Hà Tây và Hà Nội lâu đời như cùng trên cõi đất phát tích của dân tộc, bởi nó là một miền đất không thể kể sự khác nhau của mỗi thời kỳ, theo tên gọi và theo địa giới hành chính”. Và ông đã chỉ ra sự kết nối thú vị giữa hai vùng đất, từ số dân di cư tới Thủ đô; những làng nghề, thợ nghề về nội đô làm ăn buôn bán; rồi giới tri thức Hà Nội đến từ Hà Đông, Sơn Tây và cả tiếng Hà Nội. “Giới tri thức, đời nào cũng có những quan chức ở Thăng Long rồi nhiều người có trang ấp, nhà cửa tọa lạc ở các làng xóm xung quanh. Từ Nguyễn Trãi ở Thường Tín, Phan Huy Chú ở Quốc Oai cho đến khi ra đời văn học chữ quốc ngữ, các cây bút tài danh thuở ban đầu như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh ở Phú Xuyên, Nguyễn Khắc Hiếu ở Khê Thượng…”
Sau khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội, Thủ đô Hà Nội trở thành địa phương giàu có nhất nước về di sản văn hóa, bao gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đáng chú ý, các địa phương có nhiều di tích nhất lại là các huyện thuộc vùng văn hóa xứ Đoài và Sơn Nam Thượng (với tổng số 3.969 di tích), đặc biệt có nhiều di tích nổi tiếng có giá trị như chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Đậu, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu.
Trong số 1.793 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội thì Ba Vì (thuộc tỉnh Sơn Tây cũ, xứ Đoài) là huyện đứng thứ ba (sau Thường Tín và Đông Anh) với 126 di sản. Những huyện thuộc xứ Đoài xưa cũng sở hữu số lượng di sản văn hóa tương đối phong phú: Thạch Thất – 92, thị xã Sơn Tây - 78, Phúc Thọ - 75, Đan Phượng - 61, Quốc Oai - 51 (Theo Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Thành phố Hà Nội). Nếu tính cả một phần Hoài Đức, Từ Liêm cũng thuộc xứ Đoài xưa, thì toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể của xứ Đoài hiện tại là 483 di sản.
Theo PGS. TS Lê Hồng Lý, điều này cho thấy số lượng di sản văn hóa phi vật thể của xứ Đoài trên đất Hà Nội chiếm một phần không nhỏ. Trong số đó là các lễ hội dân gian xứ Đoài, một giá trị đáng kể của văn hóa xứ Đoài xưa và nay. Ngoài ra, Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.
Sau 15 năm hội nhập cùng vùng đất văn hiến Thăng Long, có thể thấy các yếu tố văn hóa đặc sắc của vùng văn hóa xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng vẫn được gìn giữ và phát huy thế mạnh góp phần cùng Thủ đô tiến lên văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, song song với việc phát huy truyền thống văn hóa. Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn được Thành phố tiếp tục được chú trọng. Nhiều chương trình, đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể được triển khai, nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng được khơi nguồn từ di sản đã góp phần đánh thức tiềm năng di sản, tạo nên “điểm đến” hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô. Các làng nghề tích cực chuyển mình, chất lượng mẫu mã sản phẩm ngày một đa dạng hơn.
Các lễ hội dân gian được chú trọng đi sâu vào bản chất của tinh thần dân tộc góp phần tạo nên môi trường văn hóa lễ hội lành mạnh, giữ được nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã tạo cho nông thôn Hà Nội những diện mạo mới. Các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh thành trong cả nước cũng như với quốc tế đã được đẩy mạnh, là cơ hội để văn hóa Thăng Long - Hà Nội và văn hóa xứ Đoài được lan tỏa...
Ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong 15 năm hòa nhập, giới văn nghệ sĩ Thủ đô đã không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động trải dài trên nhiều mặt, từ sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, điền dã và đi thực tế… Các hội chuyên ngành đã hết sức chủ động, nỗ lực nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội, phát huy hết tiềm năng sáng tạo của hội viên nhằm đưa văn học, nghệ thuật Thủ đô ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy hoạt động văn hóa Thủ đô lên một tầm cao mới.
Có thể nói sự hòa quyện giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa xứ Đoài cùng các vùng văn hóa khác đã góp phần kiến tạo, định hình một tầm vóc mới cho Thủ đô. Những thành quả trong lĩnh vực văn hóa suốt 15 năm qua đã phần nào minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy được bản sắc độc đáo, tinh túy giữa 2 vùng đất cổ, từ đó bổ sung cho nhau một cách hữu cơ và có chọn lọc, cùng vươn tới tầm cao, đạt tới các giá trị tinh hoa chân chính... thì vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành và toàn thể nhân dân Thủ đô.
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội trong một bài viết về văn hóa Thăng Long – xứ Đoài cho rằng sau khi hợp nhất, văn hóa đón nhận sự biến đổi cả tích cực và tiêu cực đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải có những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, những người làm công tác văn hóa từ cơ sở đến thành phố.
Theo ông, thành phố cần tranh thủ trí tuệ của giới tri thức trên địa bàn Thủ đô để quan tâm phát huy, lan tỏa nền văn hóa trung tâm. Vùng đô thị hóa phải được quản lý một cách chặt chẽ để chấm dứt dự án “treo” phản cảm về văn hóa. Dành nguồn đầu tư ngân sách tương xứng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa Thủ đô. Hà Nội phải xác định là địa phương luôn đi đầu trong văn hóa, phải tìm cách để hoạt động văn hóa không làm mất đi bản sắc của vùng văn hóa nghìn năm nhưng đồng thời tiếp thu văn hóa thế giới, công nghệ mới của thời kỳ 4.0.
Đề cập tới việc phát huy giá trị của lễ hội dân gian xứ Đoài, PGS.TS. Lê Hồng Lý cho rằng khai thác tiềm năng của lễ hội nói chung, lễ hội dân gian xứ Đoài nói riêng cùng tất cả những gì liên quan đến nó, là một công việc đặt ra có tính cấp thiết cho Sơn Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Làm sao để biến những di sản văn hóa thành những sản phẩm cao cấp của nền kinh tế mềm là việc cần được chính quyền địa phương lưu tâm. Phải có một quy hoạch chiến lược càng sớm càng tốt trước khi đô thị hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đang gõ cửa từng giây từng phút đối với thành phố vệ tinh Sơn Tây của Thủ đô ngàn năm văn hiến và đặc biệt là của một xứ Đoài với bản sắc riêng của núi Tản sông Đà.
Nhà thơ Bằng Việt đề xuất tới đây trong quy hoạch tổng thể Thủ đô, cần có định hướng phát triển các trung tâm văn hóa, bao gồm nhiều mũi nhọn theo những thế mạnh của từng vùng đất, tuy nhiên vẫn phải giữ được sự kết nối, hài hòa. “Văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài, hai thế mạnh đã từ lâu nhập cuộc cùng nhau một cách tinh tế và hài hòa, chắt lọc và bổ sung cho nhau, sẽ phải cùng hợp thành một dòng chảy tinh hoa duy nhất của cả nền văn hóa Thủ đô rộng lớn, có sức sống bền bỉ, năng động, đậm đà bản sắc độc đáo và cùng vươn cao, bay xa trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Thủ đô”, nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh.
Có thể nói sự hợp lưu của văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đã góp phần làm giàu có thêm bản sắc văn hóa Thủ đô. Gìn giữ nét tinh hoa, đặc sắc, đa dạng của 2 vùng văn hóa này trong sự hài hòa, kế thừa và phát triển là hết sức cần thiết để nguồn lực văn hóa ngày càng phát huy được tiềm năng và thế mạnh. Hi vọng trong giai đoạn tới, vị thế cao đẹp, hài hòa này của văn hóa Thủ đô sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, làm giàu thêm vẻ đẹp tinh thần của một Thủ đô đứng đầu cả nước về tiềm năng văn hóa, vững bước tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường phát triển bền vững./.
Tác giả: Đặng Thủy
Thiết kế: Phương Anh