Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Yên Nội (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 08/08/2023 15:44

Đình Yên Nội thuộc địa phận xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

dinh-yen-noi-qo.jpg
Đình Yên Nội

Đình được gọi theo tên làng của làng Yên Nội, nay thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), thuộc tổng Hoàng Xá, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Di tích cách trung tâm Hà Nội chừng 22km về phía tây. Từ Hà Nội, qua Hà Đông theo Quốc lộ 21B đi Quốc Oai, đến cây số 16 là tới làng. Làng nằm sát đường Quốc lộ, di tích toạ lạc trên một khu đất thoáng rộng ở giữa làng. Cổ xưa đình vốn ở mạn đê phía Bắc sông Đáy, sau được dời về vị trí hiện tại. Đình có quy mô to lớn, theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, bao gồm nhiều hạng mục công trình: Đại bái, Tiền tế và Hậu cung. Từ ngoài vào, là hệ thống cột trụ biển cao to, giữa hai cột là cửa ra vào. Phía trong hai bên sân đình là Tả vu, Hữu vu nối liền với hai đầu nhà Đại bái. Tiếp theo Đại bái là nhà Tiền tế và sau cùng là toà nhà Hậu cung.

Toà Đại bái là một hạng mục kiến trúc đồ sộ nhất vùng, dài 22,8m, rộng 12,8m, tổng diện tích là 291m’. Nhìn từ ngoài, mái ngói toà Đại bái rất cổ kính, rêu phong. Tuy đã tu sửa nhiều lần, nhưng bên cạnh từng mảng ngói mới, là những mảng ngói cổ hình mũi hài có hoa văn cánh sen cách điệu, đúng như câu đồng dao truyền rằng: “Đẹp đình So, to đình Cấn, cũ kỹ đình Nội”, sự cũ kỹ này không chỉ là mái ngói cổ kính mà là đầu đao cong vút, trên đó gắn các mảng hình rồng đuôi mập, mang phong cách thời hậu Lê. Trong Đại bái, một không gian thoáng rộng với 5 gian 2 dĩ, được kết cấu theo 4 hàng chân gỗ và kiểu vì nóc chồng rường - giá chiêng. Toàn bộ phần mái được đỡ bởi 48 cột to nhỏ khác nhau, trong đó có những cột cái với chu vị tới 1,60m. Dưới các chân cột đều có lỗ đục, dấu tích hệ thống sàn đình thủa đầu tạo dựng. Trên các đầu dư đều chạm rồng với nhiều dáng vẻ khác nhau: chỗ thì râu xoắn vắt lại phía sau, chỗ thì râu bện thành hình đao mác, chỗ thì miệng ngậm hạt ngọc, tay vuốt râu... Trên các xà nách, rường cụt cũng được chạm nhiều hoạ tiết rồng; con thì miệng loe, mắt lồi, râu tóc hình đao mác; con thì bờm dựng đứng, uốn lượn nhịp nhàng.

Những hoạ tiết trang trí ở toà Đại bái này khá độc đáo, có phong cách tương tự ở đình Ngọc Than (Quốc Oai), đình Tự Nhiên (Thường Tín) và đình Chu Quyến (Ba Vì) thuộc thế kỷ XVII. Điều này rất phù hợp với dòng lạc khoản ghi trên câu đầu toà Đại bái là năm Chính Hoà thứ nhất (1680). Qua Đại bái là đến nhà Tiền tế. Bộ phận này nối Đại bái với Hậu cung, làm thành hình chữ “công”. Tiền tế dài 8m, rộng 3,4m, với hệ thống cột và kẻ nóc nối tiếp với nhau. Nhà Hậu cung dài 18,2m, rộng 5,5m, kỹ thuật nghiêng về bào trơn đóng bén như toà Tiền tế. Trong Hậu cung có 3 cỗ long ngai và 3 bài vị, cùng một số đồ tế tự khác.

Đình thờ ba vị đại vương là Nguyễn Tuấn, Cao Lỗ và Mỵ Nương công chúa. Theo thần phả của làng, thì ba vị này là nhân vật lịch sử thời An Dương Vương, liên quan đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các đời vua sau này thường ban sắc phong cho ba vị đại vương này và lệnh cho dân Yên Nội thờ cúng. Hiện tại, đình làng còn giữ được 20 đạo sắc phong. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, dân làng tế lễ để tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng và cầu được phúc lộc. Đặc biệt, trong lễ hội đầu xuân, thường gắn liền với hội vật của làng và cả vùng.

Làng Yên Nội vốn là một làng lớn, có nhiều di tích và nhiều nhân vật lịch sử trong các triều đại trước đây, trong đó đình làng Yên Nội là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tiềm tàng những tư liệu lịch sử, văn hoá không chỉ của làng mà tiêu biểu cho cả vùng ven sông Đáy.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)