Đình, chùa Yên Mạc (huyện Mê Linh)
Đình Yên Mạc thuộc thôn Yên Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội.
Đình Yên Mạc được xây dựng trên một thế đất cao ráo, rộng rãi, thoáng mát. Đình nhìn theo hướng tây nam, phía trước là đường liên xã rồi tới một khu ao rộng, xung quanh ba mặt là khu dân cư đông đúc.
Theo thần tích, truyền thuyết, đình Yên Mạc thờ 9 vị: Quý Minh (thời Hùng Vương thứ 18); Ả Nang, Ả Nương (tướng lĩnh của Hai Bà Trưng); Lý Nhã Lang (Hậu Lý Phật Tử, thế kỷ thứ VI) và phối thờ: Vương Hinh, Tạ Thị Long thân phụ thân mẫu của Nang, Ả Nương cùng Ma Bà, đệ nhất Cội Ni, đệ nhị Cội Cúc - âm thần phù trợ Hai Bà Trưng đánh giặc ngoại xâm giành độc lập.
Đình Yên Mạc được xây dựng vào khoảng đầu thời Nguyễn và đến năm 1924 được trùng tu lớn. Đình có kiến trúc kiểu chữ “đinh”, bao gồm toà Đại đình 7 gian và Hậu cung 3 gian. Từ mặt đường liên xã, theo 9 bậc thềm là lên tới sân đình. Sân đình có chiều dài 18,6m (theo chiều dài toà Đại đình), rộng 8,0m hai bên có hai nhà Tả, hữu mạc. Mỗi nhà gồm hai gian dài 5,0m, rộng 2,5m.
Tiếp theo sân đình qua hiên rộng 2,5m là vào Đại đình. Phía trước hiện được xây tường với chất liệu vôi vữa có để 5 ô cửa rộng. Ô giữa có đắp 2 trụ biểu cao vượt lên, phía trên đỉnh trụ là hình 4 chim phượng đuôi xoè 4 hướng, đầu ngóc cao vươn nối với nhau bằng bức cuốn thư với chất liệu vôi vữa có chủ đề khắc hoạ tứ linh: long - ly - quy - phượng.
Đại đình gồm 7 gian: gian giữa dài 3,15m các gian kế theo có chiều dài từng gian là: 2,65m; 2,7m; 2,4m và đối xứng qua gian giữa.
Hậu cung gồm 3 gian, nối với toà Đại đình bằng hệ thống máng chảy, có chiều dài từng gian từ toà Đại đình vào là 2,5m; 2,8m; 2,5m và khoảng 1,1m làm sàn gác kiệu và đồ lễ. Nối tiếp với toà Đại đình, Hậu cung được dành gian ngoài cùng để bài trí án thờ và sập thờ làm nơi tế lễ, tiếp đó hai gian phía trong được nâng sàn cao hơn so với nền 1,8m làm thượng cung, ba bề bưng ván kín có cầu thang gỗ lên xuống, trước có cửa bức bàn tạo thành một nơi thâm nghiêm kín đáo để đặt bài vị thờ các vị thần của làng.
Hệ thống vì kèo đình Yên Mạc được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Phía trên hai cột cái là câu đầu, trên câu đầu là hai trụ đội đỡ con lợn, trên cùng là cái nóc (hay còn gọi là thượng lương). Liên kết giữa các bộ vì kèo của các gian là hệ thống xà dọc gồm có xà thượng, xà hạ và hoành. Riêng hai vì kèo gian chính giữa, trên câu đầu có hai trụ đội đỡ con lợn, còn lại đều được bưng ván và chạm trổ tạo nên những bức tranh gỗ rất sinh động.
Toà Đại đình có hai mái lợp ngói mũi nối với Hậu cung bằng hệ thống xà, các vì kèo của Hậu cung cùng có kiểu thức biến thể chồng rường giá chiêng và thượng rường hạ kẻ.
Cùng với kiến trúc đồ sộ, đình Yên Mạc còn lưu giữ được nhiều bức chạm trổ khá đẹp, điển hình như:
Hai bức cốn gian giữa phía ngoài được chạm cả hai mặt, bức cốn hình tam giác vuông. Mặt phía trong chạm đề tài tứ linh, trung tâm bức chạm là hình long cuốn thuỷ. Hình rồng được chạm mắt tròn lồi, mũi to, hai râu vểnh, rủ sang hai bên, bờm tóc xoè uốn lượn sát đầu hoành, miệng rộng há to hút lên một cột nước. Thân rồng với các đạo mác lẫn trong mây uốn khúc. Phía dưới góc vuông của tam giác là hình một long mã đang phi nước đại, lưng cõng hộp thư, phía dưới bụng là cảnh hoa sen nở, góc bên phải dưới bức chạm là hình rùa cõng chữ “thọ” đang ngóc đầu vào giữa trong tư thế đang bơi trong hồ sen. Phía trên giữa đầu rồng và đuôi rồng uốn khúc là hình một con chim phượng đang tung cánh bay.
Bức cốn mê phía trước hậu cung, sát vì nóc cũng được cấu tạo làm 3 hình tam giác, phần tam giác cân phía trên để trống, hai tam giác vuông hai bên phía dưới đều chạm mỗi bên là một chim phượng đang bay với sải cánh rất mạnh mẽ, đầu hướng vào phía trong. Trên hai cửa vào hậu cung ở hai bên án thờ chính là hai bức cốn hình tam giác vuông đều được chạm đề tài giống nhau là “long vân” với chủ đề chính là hình tượng một con rồng châu đầu vào phía trong.
Đình Yên Mạc còn có một số di vật cổ độc đáo, đặc biệt là di vật bằng đồng và di vật là các đồ thờ bằng gỗ được chạm trổ khá công phu, tỷ mỷ tạo nên sự hài hoà, tinh tế mang đầy tính sáng tạo, khả năng tư duy và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thủa trước.
Chùa Yên Mạc thuộc thôn Yên Mạc, xã Liên Mạc.
Chùa Yên Mạc được xây dựng trên một thế đất cao ráo, rộng rãi, thoáng mát. Chùa sát đường liên xã, nhìn theo hướng tây nam, cốt nền cao hơn mặt đường khoảng 1,2m. Từ đường lên 9 bậc tam cấp là đến cổng và sân chùa. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa, được xây dựng khoảng thời Hậu Lê và tu sửa vào thời Nguyễn. Chùa với kiến trúc kiểu chữ “công” gồm toà Tiền đường 5 gian và Hậu cung 3 gian, phía sau Hậu cung cách 1,2m thêm một toà song song với Tiền đường là 3 gian thờ Tổ.
Tiền đường gồm 5 gian được kết cấu bởi 6 bộ vì kèo với 24 cột. 4 bộ vì kèo của gian giữa và 2 gian liền kề được kết cấu theo dạng thức chồng bồn con lợn và thượng rường hạ kẻ. Riêng 2 vì kèo đốc sát tường có dạng thức chồng rường giá chiêng và thượng rường hạ kẻ.
Liên kết giữa các bộ vì kèo là hệ thống xà dọc, trên đó là bộ hoành mái với kỹ thuật mộng sàm tại các đầu liên kết, các cấu kiện: câu đầu, con rường, xà... khớp mộng với cột sau khi được sản xuất rời từng bộ phận đã tạo nên tổng thể kiến trúc rất bền vững.
Cùng với hệ thống kiến trúc cổ khoẻ, bền vững, không gian thoáng rộng, cảnh quan đẹp, chùa Yên Mạc còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật đặc biệt là 32 pho tượng gỗ cổ được sơn son thếp vàng nhiều lớp. Dù kích thước to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau nhưng các nghệ nhân xưa đã rất thành công trong kỹ thuật điêu khắc tạo hình.
Đình và chùa Yên Mạc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2000./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02