Hà Nội xưa - nay

Di sản ký ức Hà Nội qua khu tập thể cũ

TS. Lê Việt Liên 07:39 09/08/2023

Hà Nội đang trong bước chuyển mình nhanh chóng cùng với công cuộc hiện đại hóa, đô thị hóa và vấn đề nhà ở cũng vì vậy mà cũng có những đổi thay. Hàng loạt những chung cư, nhà cao tầng mọc lên, các khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều tích hợp các tiện ích đi kèm nhà ở đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Mặc dù vậy, ngay giữa lòng Thủ đô vẫn còn tồn tại một số khu nhà tập thể. Theo các nhà nghiên cứu thì đây cũng chính là di sản kiến trúc gắn với ký ức của người Hà Nội về một thời kỳ khó khăn nh

Mô hình kiến trúc của một thời kỳ lịch sử

Nhà ở tập thể từng là biểu tượng không gian xã hội mới, một trang quan trọng trong lịch sử nhà ở của Việt Nam vào thế kỷ trước. Nhà tập thể không chỉ là nơi để ở mà nó là vật chất hóa một cách rõ nhất của chủ nghĩa tập thể, nơi cá nhân nhường chỗ cho cái chung, trong những không gian chung.

02.jpg
Cầu thang gỗ ọp ẹp dù được gia cố thêm sắt nhưng cũng không gánh nổi sự xuống cấp theo thời gian.

Một trong số những khu nhà tập thể cũ được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của các mô hình cư trú kế hoạch hóa đầu tiên (khoảng từ năm 1954 - 1986) đó là Khu nhà gỗ tập thể số 1, phố Hàm Tử Quan. Đây là khu nhà duy nhất còn sót lại trong số 19 khu tập thể bằng gỗ được xây dựng tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội…

Khu nhà gỗ số 1 Hàm Tử Quan thuộc khu tập thể Bờ Sông (do gần sông Hồng) dành cho các cán bộ viên chức Bộ giáo dục được xây trong thời gian từ 1954 - 1960. Trong cuốn “Tác động kinh tế - xã hội của đổi mới trong lĩnh vực nhà ở đô thị” (Nxb Khoa học xã hội, 1998), tác giả Trịnh Duy Luân và Nguyễn Quang Vinh đã nêu một số đặc điểm kiến trúc của khu nhà này, đó là nhà một tầng hoặc hai tầng. Những căn hộ một tầng thường được xây bằng gạch và lợp mái ngói, bố trí cạnh nhau thành dãy từ 8 đến 10 phòng, mỗi phòng có diện tích 10 đến 18m2 cho 1 gia đình hoặc vài cán bộ độc thân ở. Bếp và khu vệ sinh được bố trí riêng. Những khu nhà 2 tầng có lan can hành lang bằng gỗ, khung và sàn cũng bằng gỗ, tường làm bằng vữa phủ lên khung gỗ và tre, mái ngói. Nhiều nhà có bức vách ngăn bằng tre hoặc cót ép bìa cứng.

Sau giai đoạn đầu thời kỳ xây dựng các mô hình cư trú kế hoạch hóa, những năm 1960 - 1974, Hà Nội xuất hiện những khu tập thể từ 4 đến 5 tầng như khu tập thể dệt 8/3, khu Thọ Lão, Nguyễn Công Trứ và Kim Liên… với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Bắc Triều Tiên. Giai đoạn từ 1975 đến 1986 là những khu tập thể có dáng vẻ hiện đại hơn, độc lập hơn với những công trình phụ được khép kín như Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Bách Khoa, Thanh Xuân, Kim Giang… Hiện nay những khu nhà chung cư cao tầng, khu đô thị mới dần xuất hiện ngày càng nhiều thay thế cho mô hình nhà tập thể cũ.

Lát cắt về một Hà Nội xưa

Ai đã từng gắn bó với những khu tập thể cũ chắc hẳn đều có chung những ký ức khó quên. Với những người dân trong khu tập thể Hàm Tử Quan, ký ức về một thời gian khó năm xưa dường như luôn hiện hữu mỗi khi nhắc tới. Ông Trương Đình Hiếu, ở số nhà 34 phố Hàm Tử Quan cho tôi xem những bức ảnh chụp khu tập thể từ ngày mình còn trẻ rồi hào hứng kể lại chuyện xưa. Gắn bó với nơi này từ thời tóc còn để chỏm, ông kể hồi đó ngày nào mình cũng leo lên đống tre xem dân quân dựng nhà. “Trước đây, mỗi khu nhà tập thể có một bếp tập thể. Về sau, người dân không còn dùng bếp tập thể nữa, cơ quan cho phép các hộ dùng khoảnh đất lưu không để làm thêm căn bếp. Nhà gỗ 1A có thêm những căn nhà nhỏ xíu mọc ra như chân rết. Dần dần, các hộ dân chuyển ra ở nhà "chân rết" và căn tập thể để làm kho chứa đồ, cho thuê…”, ông Hiếu nhớ lại.

Cô Thơm, một trong số những người hiếm hoi còn sinh hoạt trong khu nhà tập thể gỗ 2 thì vẫn nhớ như in cảnh sinh hoạt quanh năm xưa ở bể nước được xây ở cuối dãy nhà. Cô bảo, vì là nhà tập thể, nên ngày ấy hầu như nhà nào cũng phải có thùng phuy để chứa nước. Hằng ngày người dân phải đi xách nước về đổ vào đó để có nước dùng theo nhu cầu thiết yếu cho việc nấu cơm, vệ sinh cá nhân đơn giản. Còn chuyện giặt giũ, tắm rửa… phải ra bể nước hoặc khu vệ sinh công cộng. Lũ trẻ con trong khu tập thể thì có thú vui mỗi kỳ nghỉ hè là hò nhau đi xách nước, hoặc khi đi học về, giúp mẹ bằng cách đi ra bể nước công cộng rửa rau. Bể nước tập thể là một không gian công cộng sinh động. Tại đó, người ta có cơ hội giao tiếp với nhau, nói chuyện chính trị, chuyện bóng đá… và tất cả những câu chuyện liên quan đến đời sống.

Khu tập thể nhà gỗ số 1 nằm trong phường Chương Dương cũng như một số phường khác như Phúc Tân, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, An Dương… là những phường nằm trong đê, luôn bị cảnh lũ lụt hàng năm do nước sông Hồng dâng cao. Với những người dân khu tập thể cũ nói riêng và những người dân vùng trong đê thì sẽ mãi không thể quên được mỗi mùa lụt. Mất điện, mất nước, nhà nào có điều kiện thì đi sơ tán, còn không thì ở lại và nhận sự cứu trợ từ bên ngoài. Người lớn thì sẽ rất vất vả trong việc đi xoay xở thức ăn, nước uống, còn trẻ con thì thích thú vì được thả thuyền giấy và được đi thuyền trên nước. Những căn nhà gỗ tập thể với kết cấu 2 tầng, người ở tầng 1 sẽ chuyển hết đồ dùng cần thiết lên tầng 2. Mọi người giúp đỡ chia sẻ với nhau từng bữa ăn, giọt nước khan hiếm. Một số nhà còn di chuyển hết đồ đạc lên đê để sống tạm qua ngày. Khi lũ lụt lên cao cũng khiến họ phải “ra đê mà ở” vì đê là chỗ cao nhất mà con nước chưa ngập tới và là chỗ trú ngụ an toàn của người dân. Con đê, đó là một không gian công cộng vô cùng thú vị của những người sống trong khu tập thể nhà gỗ khi mùa hè nóng nực gõ cửa. Trẻ con, người lớn, người cầm quạt nan, người mang chõng, ghế, nhà nào sang hơn vì có người đi Liên Xô về thì mang theo giường bạt… Tất cả đều lên bờ đê hưởng không khí mát mẻ bởi lúc đó, chỉ có bờ đê là nơi thoáng nhất, mát nhất. Buổi chiều về, con đê cũng là sân chơi công cộng cho lũ trẻ con thả diều, đá bóng, nhảy dây…

Ký ức biểu đạt qua di sản

Khi nghiên cứu về “Di sản là gì? Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế”, tác giả Martin Rama cho biết, để lọt vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, một điểm văn hóa cần đáp ứng ít nhất một trong sáu tiêu chí: đại diện cho một kiệt tác của thiên tài sáng tạo nhân loại, quan trọng trong giới hạn về kiến trúc, công nghệ, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan; là một chứng thực độc đáo về truyền thống văn hóa; là một ví dụ nổi bật về một kiểu tòa nhà; là ví dụ xuất chúng cho một khu định cư; hoặc được liên kết trực tiếp với các sự kiện trọng đại”. Với một vài tiêu chí như vậy, các khu tập thể cũ có thể coi là di sản.

01.jpg
Giữa mái tầng 2 và trần nhà tầng 1 là nơi... sinh sống của bầy chuột. Dù muốn sửa chữa, nhưng mấy chục năm nay, không ai dám bóc lớp gỗ ngăn cách giữa 2 tầng. Bởi thế, người dân hay gọi đùa một cách hóm hỉnh đây là "chung cư ổ chuột"theo đúng nghĩa đen của nó.

Không chỉ Martin Rama, trước đó nhiều chuyên gia của Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã đề xuất các khu tập thể cũ tại Hà Nội được công nhận là những công trình kiến trúc di sản của giai đoạn 1954 - 1986. Họ mong muốn, một số công trình tiêu biểu sẽ được chọn, tu bổ và phục hồi để gìn giữ trước khi các khu tập thể cũ được phá đi xây dựng lại.

Khu nhà tập thể đó là một biểu tượng về di sản văn hóa nhà ở một thời đáng được nghiên cứu trước khi mà cả “vật chứng” và “nhân chứng” có thể không còn hiện hữu bởi sự khắc nghiệt của thời gian. Ngày nay, cùng với thời gian, các công trình này đang đứng trước sự lựa chọn và thách thức là được cải tạo, hoàn thiện hoặc phá bỏ xây dựng mới. Việc lựa chọn giải pháp thường chủ yếu dựa trên yếu tố quy mô, sự xuống cấp, độ nguy hiểm, còn những yếu tố giá trị phi vật thể, giá trị văn hóa dường như không được xem xét. Do vậy, cần có quy chế bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc đối với những công trình tiêu biểu cho một thời kỳ phát triển của đất nước./.

TS. Lê Việt Liên