Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, miếu Xa La (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 07/08/2023 15:14

Đình, miếu Xa La thuộc địa phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội.

dinh-mieu-xa-la.jpg
Khu di tích đình, miếu Xa La

Khu phố Xa La trước đây là một làng cổ. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Xa La thuộc Trung Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà. Nay thuộc thành phố Hà Nội.

Đình Xa La toạ lạc đầu phía đông của làng. Theo cuốn lịch sử văn hóa làng Xa La thì ngôi đình được dựng từ rất sớm, trên mảnh đất rộng ở đầu phía tây bắc của làng, bên bờ sông Nhuệ, giáp với chùa và miếu ngày nay. Vào đời Nguyễn (vua Thành Thái 1889 - 1907), dân làng chuyển đình đến đầu phía đông của làng như hiện nay.

Đại bái đình là một toà nhà ngang, 5 gian rộng, đầu hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Trên bờ nóc, ở hai đầu đắp hai con kìm, còn ở giữa đắp hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Nét khác biệt ở hình tượng lưỡng long chầu nguyệt trên nóc đình là hình nguyệt đứng trên một tấm biển đắp hình chữ nhật nằm, có ghi 3 chữ Hán “Linh Lang từ”. Vào trong toà Đại bái, 5 gian rộng, các bộ vì đứng trên 4 hàng chân cột gỗ có những chân đá tảng ở dưới, 6 bộ vì có các kiểu thức khác nhau từng đôi một. Bộ vì 1 và bộ vì 6 (hai bộ vì giáp tường hồi) được làm theo kiểu thức “thượng giá chiêng chồng rường con nhị, hạ chồng rường” trên xà nách, đầu bẩy vươn ra ngoài gánh mái hiên. Đây là hai bộ vì ở ngôi đình cũ còn giữ lại khi dân làng chuyển ngôi đình sang vị trí mới vào thời vua Thành Thái. Hai bộ vì 2 và 5 được làm theo kiểu thức “thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ, bẩy” mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, cuối thế kỷ XIX. Bộ vì 3 và 4 (hai bộ vì gian giữa) được làm theo kiểu thức “thượng chồng rường giá chiêng, hạ mê cốn”. Những bức mê cốn này đều được đục chạm trang trí ở cả hai mặt. Mặt trong mỗi mê cốn, nơi hướng vào gian giữa là bức chạm bong kênh theo tích tứ linh, có đủ long, ly, quy, phượng trong đó hình tượng long (rồng) được đặc tả to hơn, chiếm giữ phần lớn bề mặt cốn. Hậu cung đình là một ngôi nhà 3 gian, đầu hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Quá giang bắc suốt, đội cột lửng, cột lửng đội kèo cầu. Kết cấu bộ vì đơn giản, thiên về bào trơn đóng bén, chỉ cốt bền vững mà không cần hoa mỹ.

Ngôi miếu nằm ở phía tây của làng, ngay bên bờ sông Nhuệ, tiếp giáp với chùa Xa La. Nhìn tổng thể, toà miếu có mặt nền hình chữ “đinh”, gồm toà Đại bái và Hậu cung. Đại bái 3 gian đầu hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc đắp nổi tấm biển chữ nhật nằm ngang có đề ba chữ Hán: Linh Lang từ. Đầu bờ nóc đắp đấu vuông. Vào trong nhà, bộ vì theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Đại bái không có cửa, thay vào đó là ba cánh giại tre như thể tôn lên vẻ giản dị cổ kính của ngôi miếu. Hậu cung nằm dọc, kết nối với mái sau gian giữa toà Đại bái, có 3 cửa nhỏ, 2 cửa tả hữu dùng làm lối đi, cửa giữa trên tường cao 0,80m dùng làm nơi hành lễ và thông thoáng cho bên trong. Vào bên trong, bộ vì theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ mê cốn”. Hoa văn trang trí trên các cấu kiện gỗ đơn giản, những nét chạm mây xoắn, lá lật thông thoáng mà đẹp. Bức cốn trong Hậu cung là những hoạ tiết trang trí cách điệu hình chữ thọ.

Đình, miếu Xa La là nơi thờ Linh Lang đại vương, tức Hoàng tử Hoằng Chân nhà Lý, người đã có công đánh giặc Tống xâm lược ở thế kỷ XI. Tương truyền, Hoàng tử Hoằng Chân hay ăn, mau lớn, chưa đầy tuổi nghe tin có giặc Trinh Vĩnh ở phía Nam bèn vươn vai lớn bổng, thành một tráng sĩ, cưỡi voi ra trận, chỉ trong chớp mắt đánh tan quân giặc. Đến khi quân xâm lược nhà Tống kéo sang xâm lược nước ta, bị Lý Thường Kiệt chặn lại ở phòng tuyến sông Cầu. Theo kế hoạch của Lý Thường Kiệt, hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn dùng 400 chiến hạm đổ bộ quân sang bờ Bắc, tiến công vào trận tuyến của quân Tống ở quãng sông Kháo Túc (sông Cầu gần núi Nham Biền). Hai hoàng tử thúc quân đánh mạnh nhằm thu hút lực lượng của chúng, tạo điều kiện cho Lý Thường Kiệt bất ngờ vượt sông đánh úp vào doanh trại quân giặc. Quân Tống không kịp trở tay, đại bại. Quân ta thắng lớn. Trong trận chiến đấu quan trọng ấy hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn đều hy sinh anh dũng.

Lễ hội truyền thống làng Xa La mở 3 ngày, từ ngày 9 đến ngày 11 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Đình, miếu Xa La đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2004./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)