Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Vồi (huyện Thạch Thất)

Sơn Dương (t/h) 07/08/2023 14:28

Đình Vồi thuộc địa phận xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

dinh-voi.jpg
Đình Vồi

Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất trong vùng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 20/2/1997.

Đình Vồi thờ ba vị thành hoàng họ Chu có tên là Chu Tuấn, Chu Hùng và Chu Liệt là người đất Ba Trung (Trung Quốc), sống ở đời vua Hiến Đế nhà Hán được cử sang đô hộ nước Nam Việt. Khi sang nước Việt ta các ông đánh dẹp giặc Mạnh Hoạch. Những nơi đi qua, các ông đều ban bố ân đức, không tơ hào của cải của nhân dân nên được nhân dân yêu mến. Tại đây các ông đã lập hai hành cung và 72 doanh sở. Phú Kim là một trong 72 doanh sở đó. Sau khi các ngài mất, các sở, hành cung đều rước linh vị của 3 vị đại vương đưa về thờ phụng.

Ở bên phải bờ đê sông Tích, đình Vồi là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ kính có quy mô lớn. Phía trước cửa đình là một hồ sen rộng, giữa hồ nổi lên một gò đất tựa như một viên ngọc. Nơi ấy đặt một bia đá cổ nói về việc trùng tu đình và lưu tên những người có tâm công đức tu tổ, tôn tạo di tích.

Kết cấu kiến trúc đình Vồi rất đăng đối, hoàn chỉnh gồm các hạng mục: Nghi môn, Đại bái, Hậu cung, Tả mạc, Hữu mạc, xung quanh đình xây tường đá ong.

Nghi môn đình mở rộng, hai bên là hai cột đồng trụ cao 4,5m trang trí nhiều lớp, tầng hoa văn đắp nổi. Đỉnh cột là biểu tượng tứ phượng cách điệu chầu về bốn hướng.

Qua sân đình rộng, ở hai phía đầu hồi đình có nhà Tả mạc, Hữu mạc nằm song song với nhau; cùng chung lối kiến trúc xây tường hồi bít đốc, khung nhà gỗ kiến trúc bộ vì kèo cầu quá giang.

Ngôi đình chính kết kiểu chữ “nhị” gồm Đại bái và Hậu cung. Dựa vào nội dung tấm bia đá lưu giữ tại đình và dòng chữ ghi trên câu đầu cho biết đình Vồi được xây dựng vào triều Lê, niên hiệu Chính Hoà thứ 6 (1685); đến triều Nguyễn, niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894) trùng tu tôn tạo thêm Tả, hữu vu.

Ngôi nhà Đại bái là công trình kiến trúc cổ có 4 lá mái và 4 góc đao cong mũi rồng, phía dưới đao đình có con kìm sành bằng đất nung màu tro xám, đuôi cách điệu được tạo tác vào thời Lê. Cấu trúc mặt bằng Đại bái gồm 5 gian 2 chái kết cấu trên 6 hàng chân cột. Câu đầu của các bộ vì liên kết với cột cái bằng hình thức ngàm lấy đấu vuông đặt lên trên cột cái. Cột cái cao 4,3m, đường kính cột 0,55m, trên thân cột có lỗ đục xưa kia để kê sàn nhà, dưới chân cột kê đá tảng gọt đẽo hình vuông và hình tròn. Đặc biệt trên thân cột có xà ngang đưa ra đặt thớt voi gỗ đứng trên đấu vuông. Dựa vào kết cấu kiến trúc trên của toà Đại bái có thể đoán định ngôi đình có niên đại từ thời Lê.

Hậu cung được làm song song với Đại bái, gồm 1 gian 2 chái, có bốn mái đao cong. Đây là nơi thâm nghiêm bài trí ban thờ Tam vị thành hoàng. Điều đáng chú ý, trên ban thờ đặt 3 pho tượng thành hoàng làng trong tư thế ngồi, chân khoanh tròn. Pho tượng giữa đầu đội mũ bình thiên, hai pho tượng bên đội mũ cánh chuồn, nhỏ hơn tượng giữa mang phong cách tượng tròn nghệ thuật Nguyễn. Đình Vồi còn lưu giữ một cuốn ngọc phả chữ Hán do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc (1572) và 23 đạo sắc phong, đạo sớm nhất ở thời Lê, niên hiệu Cảnh Trị (1663).

Hàng năm dân làng tổ chức lễ hội từ ngày 14 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)