Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Vệ Quốc và đền Dực Thánh (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 03/08/2023 15:47

Đền Vệ Quốc và đền Dực Thánh thuộc địa phận phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đền Vệ Quốc toạ lạc tại Giáp Đông, phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Nói về lịch sử đền Vệ Quốc tức cũng gắn liền với đền Dực Thánh. Đây là đền thờ anh em song sinh là Cống Lễ và Cá Lễ. Lịch sử của hai vị thần và hai ngôi đền như sau:

Thời Hùng Vương thứ 18 có Lạc hầu Lê Quốc Tín được vua Hùng rất yêu quý, đem cháu gái gả cho. Không may công chúa sớm qua đời, ông rất lấy làm buồn, bỏ đi thăm viếng khắp danh lam thắng tích. Một hôm đến ấp Hồ Khẩu, thấy thắng cảnh Tây Hồ tuyệt vời, trước có bãi Thất Tinh, gò Tam Thai, hai bên thế đất long chầu hổ phục, ông quyết định làm nhà tại đây, kết duyên với Thục Nương, một cô gái hiền thục xinh đẹp của Tây Hồ. Do chậm có con, nên ông bà thường đi chơi hồ Tây, cầu tự tại các đền chùa. Một hôm bà ứng mộng Xích Giáp - Long thần hồ Tây mà có thai. Sau sinh ra cái bọc, bọc vỡ thành hai cậu bé khôi ngô tuấn tú. Cậu lớn gọi là Cống Lễ, cậu bé gọi là Cá Lễ. Hai cậu lớn lên, dung mạo khác thường, tài năng cái thế. Vua Hùng vừa nhìn thấy biết ngay là Long thần giáng thế, phong anh là Tả Chưởng quan, em là Hữu Chưởng quan, nắm giữ thuỷ bình của triều đình.

Lúc này vua Thục đem quân xâm lược, hai ông cùng Tản Viên Sơn Thánh đã đánh cho quân Thục tơi bời. Khi thuyền của hai ông từ bờ sông Nhĩ Hà vào sông Tô Lịch đến ấp Hồ Khẩu, chỗ đền Vệ Quốc hiện nay thì hai vị cùng bay về trời.

Tin này đến tai vua Hùng, vua ban sắc cho ấp Hồ Khẩu lập đền phụng thờ hai ông. Giáp Bắc lập đền thờ Cống Lễ gọi là Dực Thánh từ, Giáp Đông lập đền thờ Cá Lễ gọi là Vệ Quốc từ. Lý Thái Tổ đem quân đi đánh Chiêm Thành đã vào đền cầu đảo. Vua được âm phù, nên đại thắng quân Chiêm, đã gia phong cho hai vị là Phụ quốc tế thế.

Trần Nhân Tông chống quân Nguyên đã sai Trần Quốc Tuấn đến cầu đảo ở đền, lại được anh em âm phù nên đại thắng quân giặc ở sông Bạch Đằng. Vua Trần lại gia phong Hiển ứng uy linh.

Thời Lê, hồng thuỷ uy hiếp đê Yên Phụ, vua cho người đến đền cầu đảo lại được âm phù làm cho nước rút. Từ đấy về sau, hai thần thường hiển linh giúp cho quốc thái dân an.

Đền Vệ Quốc

Đền Vệ Quốc toạ lạc tại phường Bưởi, nhìn ra đường Thuỵ Khuê. Ngôi đền này được xây dựng theo kiểu chữ “công” trên gò Đại Ngư. Điều đáng chú ý ở đây là trên các bức tường kể từ Tam quan, Tiền tế, Hậu cung người ta đều tìm thấy những viên gạch vồ thời Lê.

den-ve-quoc.jpg
Đền Vệ Quốc

Trong đền còn câu đối:

Dũng tướng nhất sinh, vệ quốc an biên danh vĩnh ký

Linh thần vạn đại, hộ dân lập nghiệp huệ trường lưu.

Tạm dịch:

Dũng tướng một thời, vệ quốc an biên danh còn mãi

Linh thần vạn đại, hộ dân lập nghiệp đức muôn đời.

Đền Vệ Quốc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1989.

Đền Dực Thánh

Tây Hồ chí chép: “Đền Dực Thánh là nền cũ của điện Càn Nguyên. Đền này tại phía bắc đền Hồ Khẩu quay mặt hướng đông nam, xa xa trông thấy bến Thất Ngư, bãi Thất Tinh ngoài hồ và ba đống tục gọi là Tam Thai".

den-duc-thanh.jpg
Đền Dực Thánh

Như vậy đền Dực Thánh xưa nhìn ra hồ Tây. Nay phía trước đền không còn là hồ nước mà đã biến thành nhà dân. Mặc dù không gian kiến trúc không lớn, lại nằm trong làng nhưng đền Dực Thánh vẫn uy nghi và rất linh ứng. Đền kết cấu kiểu nội công ngoại quốc, không lớn nhưng điêu khắc khá tinh tế. Phía trên có biển đề: Dực Thánh từ (Đền Dực Thánh)

Hai bên treo câu đối:

Bình Chiêm trị thuỷ danh thiên cổ

Phù quốc hộ dân huệ vạn niên.

Tạm dịch:

Bình Chiêm trị thuỷ danh thiên cổ

Giúp nước yên dân huệ vạn niên.

Đền Dực Thánh đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)