Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Văn La (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 03/08/2023 10:12

Đình Văn La thuộc địa phận phường Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.

dinh-lang-van-la.jpg
Đình Văn La

Đình Văn La trước kia thuộc trang Ba La, nay thuộc phường Văn Khê trên một thế đất đẹp có long chầu hổ phục giữa khu dân cư đông đúc của làng Văn La. Ngôi đình này có từ lâu đời được dựng lên thờ một vị danh tướng thời Lý Nam Đế. Tương truyền, duệ hiệu của thần là Thiết Du, vốn là một người tài cao học rộng, văn võ toàn tài, được vua Lý Nam Đế phong là Tiền đạo Đại tướng quân, chỉ huy đạo quân thuỷ bộ trấn giữ phía tây nam thành Long Biên. Trong trận đánh với Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương, ông đóng quân và thiết lập đồn doanh tại Ba La, dân làng mến phục tài đức của ông nên nhất tâm hưởng ứng. Sau khi thắng trận, nhà nước Vạn Xuân được thành lập, vua Lý Nam Đế ban cho ông hưởng thực ấp tại trang Ba La. Sau khi ông mất, vua truy phong là Nguyên tử thần triều nhất phong du công đại vương và được dân làng tôn thờ làm thành hoàng làng.

Theo các bậc cao niên trong làng, đình Văn La được khởi dựng từ thời nhà Lê bằng gỗ mít, bốn mái đao cong đắp rồng trông về hướng nam, thuận chiều vượng khí. Đến tháng 11 năm 1858, niên hiệu Tự Đức thứ 11 đình được tu sửa lớn thành tường hồi bít đốc. Ngày 10 tháng 12 năm 1929, đình được sửa chữa và có mặt bằng kiến trúc như ngày nay.

Đình Văn La có kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Cổng đình trước đây theo lối kiến trúc nghi môn trụ biểu có tường bao quanh, song đến năm 1960 do biến thiên của lịch sử nên đã trở thành phố tích.

Đại bái đình là toà nhà 5 gian 2 chái, xây kiểu hồi bít đốc. Các bộ vì được kết cấu theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”. Trên các cốn gỗ, xà nách, các vì chồng rường có nhiều mảng chạm khắc trang trí theo đề tài tứ linh, mây lửa... Hậu cung có kết cấu gian dọc nối từ gian giữa Đại bái vào. Các bộ vì tại đây được làm theo kiểu “chồng rường”. Phía trong Hậu cung đặt ban thờ cao, trên có đặt khám thờ và long ngai bài vị thành hoàng làng.

Nhìn chung, nghệ thuật trang trí ở đình Văn La mang đậm dấu ấn kiến trúc đầu thời Nguyễn với các đề tài trang trí phong phú và đa dạng, tạo sự hài hoà cho toàn bộ công trình.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)