Văn hóa – Di sản

Diễn xướng dân gian - tập quán xã hội bất biến trong đời sống văn hóa Thủ đô: Bài cuối: “Vàng ròng” của văn hóa dân gian Hà Nội

Nguyễn Quỳnh 28/07/2023 07:19

Nghi lễ mang dáng dấp cung đình, hò Cửa đình và múa hát Bài Bông tại thôn Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) trải qua thăng trầm lịch sử vẫn căng tràn sức sống. "Đây là vàng ròng của văn hóa dân gian" - nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã đánh giá như vậy về hò Cửa đình và múa hát Bài Bông.

ho-cua-dinh-4-.jpg
Đội hò Cửa đình trong Hội làng Phú Nhiêu. (Ảnh: NVCC).

Hai di sản cùng tỏa sáng trong đình làng

Phú Xuyên là địa phương hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý báu, tiêu biểu như ca trù Chanh Thôn (xã Nam Tiến), hát trống quân thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến), nghề nặn Tò he thôn Xuân La (xã Phượng Dực), tiếng Lóng ở Đa Chất (xã Đại Xuyên)… Đặc biệt, vùng đất ngoại ô Hà Nội còn lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể hò Cửa đình và múa hát Bài Bông ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung.

img_7915.jpg
Vợ chồng nghệ nhân Lương Tất Tố - Vũ Thị Xuyên. Họ là những "báu vật sống" của hò Cửa đình và hát múa Bài Bông.

Vượt quãng đường hơn ba mươi cây số theo Quốc lộ 1A cũ, chúng tôi đặt chân tới thôn Phú Nhiêu với phong cảnh làng quê thanh bình, yên ả cùng cây đa, giếng nước, sân đình. Hỏi thăm nhà nghệ nhân nhân dân Lương Tất Tố, người dân trong thôn trong xã ai nấy đều biết. “Lão nghệ nhân” cùng vợ - nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Xuyên được xem là “báu vật sống” của xã Quang Trung. Cụ Tố đã 90 tuổi là nghệ nhân hò cửa đình, trong khi “phu nhân” cụ Tố đã ngoài tuổi 80 là chị cả của múa hát Bài Bông. Hai ông bà đã ở ngưỡng tuổi 90 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và đặc biệt biết nhiều về di sản văn hóa phi vật thể của quê hương.

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, nghệ nhân nhân dân Lương Tất Tố cho biết, hò Cửa đình và múa hát Bài Bông là hai loại hình diễn xướng dân gian khác nhau nhưng cùng trình diễn tại đình làng. Trong lời hò cửa đình có câu “Trời sinh họ Trịnh có đức chúa ông/ Mưu kế tinh thông lục thao tam lược”, vì thế hò Cửa đình có từ thời vua Lê - Trịnh.

qg.jpg
Tập hò Cửa đình trước ngày hội làng.

Hò Cửa đình, múa hát Bài Bông gắn liền với lễ hội làng Phú Nhiêu, diễn ra từ Rằm tháng Tám đến ba ngày hôm sau, với tục bơi chải trên sông Kim Ngưu và thờ cúng thành hoàng làng – vị thần sông nước Trung Thành đại vương Thổ lệnh trưởng. Tương truyền ngài là tướng quân chỉ huy thủy chiến dưới thời Vua Hùng.

Hội mở đầu vào rạng sáng ngày Rằm bằng việc dựng “Cây Đám” trong đình. Sáng ngày Rằm làng bơi trải (thuyền) theo sông Kim Ngưu đem kiệu lên đền rước ngài về đình. Trên chiếc trải chở kiệu có các “Giai hờ” và 8 đến 10 cô gái chưa chồng, xinh đẹp nhất làng múa hát Bài Bông. Chiều ngày Rằm tháng Tám, khi kiệu được rước về đình, làng làm lễ “Tế yên vị”. Trong các ngày 16, 17, 18 Âm lịch, ngày nào cũng có ít nhất hai chầu tế trong đó có hò Cửa đình và múa hát Bài Bông.

Khi vào tế đám “Giai hò” chia làm ba nhóm: Nhóm cái đứng ở hàng chiếu giữa hò các câu “lòng hờ”; nhóm con hò đứng hai hàng tả hữu làm nhiệm vụ “đế”. Hò Cửa đình được chia làm 3 phần: bài Giáo, bài Hò bài Không với hơn 500 câu theo nguyên bản chữ Hán được dịch ra chữ quốc ngữ, do ông Lương Đức Nghi sưu tầm và biên soạn năm 1954. Bài Giáo có nội dung chủ yếu là chúc tụng vua chúa, thành hoàng làng và mọi tầng lớp nhân dân trong làng. Bài Hò lại ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi từ vua chúa cho đến thứ dân. Nội dung bài Không chúc tụng, cầu mong tất thảy mọi đối tượng, tầng lớp, mọi nghề nghiệp trong xã hội được an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc.

z4573214972315_8704edbcac6fde04272d24936d23b8b5.jpg
Ảnh tư liệu về múa Bài Bông thôn Phú Nhiêu đầu thế kỷ XX  được lưu giữ tại Câu lạc bộ hò Cửa đình và hát múa Bỏ Bông.

Nghệ nhân nhân dân Lương Tất Tố chia sẻ, hò Cửa đình chỉ dành cho nam giới và không có nhạc, chỉ có phách làm nhịp. Trai hò mặc áo the khăn xếp, quần trúc bâu trắng chỉnh tề. Khi vào trước cửa đình, phách gõ một tiếng thì bước lên một bước kính chúc tuổi vua, hô 3 tiếng thì lùi một bước. Giai hò Cửa đình chỉ bước lên và lùi xuống, không có múa hát. Hình thức diễn xướng dân gian này thậm chí ca ngợi cả những vật nuôi như gà, lợn, trâu, bò… Những câu hò được cất lên còn động viên người dân hăng say lao động sản xuất, mong thành hoàng làng phù hộ cho dân không ốm đau bệnh tật.

Đối với múa hát Bài Bông, loại hình diễn xướng dân gian này ra đời vào cuối thế kỷ XIX và do một ca nữ chuyên múa hát trong triều đình Huế dạy cho dân làng. Nghệ thuật diễn xướng múa hát Bài Bông mang đậm phong cách cung đình. Trước kia, những thiếu nữ tuổi từ 16 đến 18, chưa chồng mới được các cụ cao niên chọn vào đội múa Bài Bông.

z4573214977010_8b78c6337efc52f79cabc1232922977b.jpg
Nhóm múa hát Bài Bông có 8 hoặc 10 người,  mặc y phục rực rỡ gần giống trang phục của những đội hát trong cung đình, tay cầm quạt vừa hát vừa múa. (Ảnh: NVCC).

“Có 5 điệu múa bài bông, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ, giờ đi biểu diễn chúng tôi đã rút gọn lại. Người múa không bao giờ được quay lưng vào bàn thờ thánh trong đình”, nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Xuyên, chia sẻ. Mỗi nhóm múa hát Bài Bông có 8 hoặc 10 người,  mặc y phục rực rỡ gần giống trang phục của những đội hát trong cung đình, tay cầm quạt vừa hát vừa múa. Thể thơ của loại hình diễn xướng này rất phong phú, gồm những câu thơ thể lục bát hoặc thất ngôn, tứ tuyệt.

Nội dung bài hát múa Bài Bông cũng tương tự như hò Cửa đình, đó là ca ngợi thành hoàng làng, cuộc sống lao động, chúc tụng thần thánh, vua chúa, mọi tầng lớp nhân dân. Những câu hát thể hiện tấm lòng tôn kính của dân làng đối với vị thần bảo hộ của làng mình và cũng thể hiện ước muốn vị thần đó ban cho dân khang vật thịnh, trời đất thái hoà.

“Di sản văn hóa phi vật thể sẽ không bao giờ bị mất”

“Hò Cửa đình và hát múa Bài Bông chỉ diễn ra tại cửa đình làng Phú Nhiêu trong những ngày lễ hội truyền thống. Cả hai đều là diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ tâm linh cổ truyền chỉ có tại làng Phú Nhiêu, đến nay vẫn đậm đà bản sắc dân tộc từ lời ca, điệu múa, tiếng hò được dân làng lưu giữ, phát huy”, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hò Cửa đình và múa hát Bài Bông thông tin. Tuy nhiên trong chiến tranh, Hò Cửa đình và hát múa Bài Bông từng bị gián đoạn, đứng trước nguy cơ lụi tàn.

ho-cua-dinh-2-.jpg
"Di sản văn hóa phi vật thể của làng Phú Nhiêu, của Hà Nội chắc chắn sẽ không bao giờ bị mất".

May sao, năm 1984, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) tổ chức Liên hoan Văn nghệ các dân tộc, thế rồi người dân làng Phú Nhiêu tập hợp lại, đem hò Cửa đình và múa hát Bài Bông tham dự và đã giành giải Nhất. Nhưng đến tận 13 năm sau (1997), dân làng Phù Nhiêu mới chính thức khôi phục được hai loại hình di sản trên.

Với sự tiếp sức của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, năm 2003, Câu lạc bộ hò Cửa đình và múa hát Bài Bông thôn Phú Nhiêu được thành lập. Ban đầu chỉ khoảng 30 thành viên, trải qua thời gian, đến nay Câu lạc bộ có hơn 100 thành viên, cao tuổi nhất là 90, nhỏ nhất có em mới lên 6. Hàng năm Câu lạc bộ tổ chức tập huấn truyền dạy cho các cháu qua các độ tuổi ở cả hai loại hình. “Trang phục biểu diễn CLB nhờ vào tài trợ của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội nghệ sỹ múa Hà Nội, Phòng Văn hóa Thành phố, UBND Huyện Phú Xuyên”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hò Cửa đình và múa hát Bài Bông chia sẻ.

z4573214978055_3c8f407036f16d28c640cbedfb8556bc.jpg
Nguyên bản hò Cửa đình do ông Lương Văn Nghị sưu tầm, biên soạn năm 1954.

Để gìn giữ và lan tỏa hai di sản văn hóa phi vật thể chỉ có tại Phú Nhiêu, Câu lạc bộ không chỉ trình diễn vào ngày hội làng dịp Rằm tháng Tám mà biểu diễn vào dịp bất kỳ như hội diễn quần chúng, tiếng hát dân ca, liên hoan dân ca; biểu diễn vào các ngày lễ lớn, sự kiện lớn của Thành phố Hà Nội hoặc có khi trình diễn tại tượng đài Lý Thái Tổ, chương trình nghệ thuật tại tỉnh Bắc Ninh...

“Bây giờ lớn tuổi rồi nên chúng tôi không thể hát múa được nữa, thay vào đó truyền dạy lại cho các cháu từ 10 đến 12 tuổi. Chúng tôi đã truyền dạy được 5 đội múa bài bông với hàng trăm em nhỏ biết múa hát Bài Bông. Sau này các cháu lớn lên, học đại học rồi lấy chồng, Câu lạc bộ lại mở lớp truyền dạy. Bây giờ Câu lạc bộ có một đội múa tuổi trung niên “thường trực biểu diễn” khi có nhu cầu. Di sản văn hóa phi vật thể của làng Phú Nhiêu, của Hà Nội chắc chắn sẽ không bao giờ bị mất”, nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Xuyên khẳng định.

Hà Nội trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo từ năm 2019, đó là niềm vinh dự nhưng cũng là một thử thách đối với Thủ đô. Việc hiện thực hóa Thủ đô sáng tạo đã được thành phố chuẩn bị sẵn sàng trong đó có Đề án "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Quyết tâm chuyển hóa các nguồn lực thành sức mạnh "mềm" của văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự kế thừa và phát triển về văn hóa sáng tạo của Thủ đô, chắc chắn sẽ không thể thiếu được việc phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian. Hi vọng rằng cùng với sự vào cuộc của thành phố, của ngành văn hóa; cùng với tình yêu và sự sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ truyền thêm “lửa nghề” cho các thế hệ kế cận. Những thử nghiệm sáng tạo mới trong từng loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng sẽ hứa hẹn sức hấp dẫn với công chúng, góp phần đưa nghệ thuật diễn xướng dân gian ngày một lan tỏa, có chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật đương đại. /.

Nguyễn Quỳnh