Đền Vân Môn (huyện Đan Phượng)
Đền Vân Môn thuộc địa phận xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Đền thờ Hai Bà Trưng, thuộc thôn Vân Môn, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Vân Môn nghĩa là cổng mây. Trước thời Nguyễn, dân làng Vân Môn có gốc ở làng Hát Môn, tổng Phù Long, huyện Phúc Thọ. Năm Giáp Ngọ, Vân Môn tách khỏi huyện Phúc Thọ, nhập vào huyện Đan Phượng thành một làng riêng biệt. Nhân dân xây đền, xin duệ hiệu gốc của Thành hoàng làng về thờ phụng. Từ một xóm tách thành làng, dân cư thưa thớt, ngôi đền thuở trước là nơi thờ tự nhỏ, tranh tre lá nữa. Đến năm Canh Ngọ (1870), ngôi đền được xây dựng ở vị trí như hiện nay, đây vốn là khu đất cao và đẹp nhất ở đầu làng. Đền quay hướng đông nam, phía trước là bãi đất phù sa, phía sau là cánh đồng trải dài. Ngôi đền có kết cấu kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm Tiền bái và Hậu cung, Nghi môn, Tả hữu mạc.
Nghi môn được xây bằng gạch, gồm một cửa chính và hai của phụ. Phần trên là bốn mái đao cong, trên bờ nóc đắp “lưỡng long chầu nguyệt”, dưới là phần cổ ngỗng có đắp nổi ba chữ Hán: Trưng Vương từ. Những mái lá cong, đắp đầu rồng hoá lá, lan xuống cổng phụ là dải hoa văn chữ triện, hai cửa phụ cuốn vòm mai cua, mái lợp ngói ống, hai bên là trụ đèn lồng.
Tiền bái xây tường gạch bao quanh kiểu hồi bít đốc. Bờ nóc đắp bờ đinh có đấu đôi kìm vuông. Giữa nóc là hình tượng mặt trời với những tia lửa toả khắp trần gian, hai bên là đôi rồng lớn uốn mềm duyên dáng. Tác phẩm nghệ thuật này hoà đồng với mái ngói ri đã rêu phong, và cột trụ trước hiên tạo lên không gian kiến trúc cổ kính, trang nghiêm của công trình văn hoá tâm linh. Phía trước là cửa ra vào, hai gian bên cửa sổ trang trí hoa văn chữ thọ. Hai mảng tường phía trước đắp phù điêu, bên tả là hình tượng voi chiến, bên hữu là ngựa chiến gọi sự liên tưởng cảnh Hai Bà Trưng ra trận. Toà Tiền tế này hình chữ nhật có kích thước 12,7m x 6,3m gồm 5 gian mái lợp ngói mũi hài. Trong nhà có hai hàng cột gỗ tròn, xà ngang, xà dọc và 6 bộ vì, trong đó 2 bộ vì hồi làm theo kiểu “kẻ chuyền”, 4 bộ vì chính làm theo kiểu thức “chồng rường con nhị”. Trên các lớp kiến trúc trang trí hoa văn cánh sen soi vỏ măng, gờ chỉ, lá lật. Hậu cung là ngôi nhà dọc nối từ gian giữa toà Tiền bái gồm 3 gian, các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường cốn mê”. Bốn cốn nhỏ chạm bóng kênh vân mây và hoa lá. Nổi bật là bức cốn chạm tích long cuốn thuỷ với nhiều hoạ tiết như hoa sen trên đầm nước, cảnh máy trời, cá nước, rùa vàng... Trong Hậu cung có khám thờ, cửa khám làm kiểu bức bàn trơn. Hai cỗ long ngai bài vị thờ Hai Bà Trưng đặt trang trọng trong khám. Đây là những tác phẩm nghệ thuật đẹp, đầu tay ngai trang trí nhiều lớp hoa sen viền, cúc 4 cánh, rồng lá, hổ phù và các chỉ khắc vạch, sóng nước... Bài vị đặt trong long ngai tạo hình người mặt tròn tại Phật, thân viền dọc các lớp hoa văn như cúc, sen, sóng nước, lòng giữa ghi duệ hiệu là những mỹ tự ca ngợi công lao đức độ của Hai Bà Trưng.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02