Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Vạn Phúc (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 02/08/2023 16:00

Đình Vạn Phúc thuộc địa phận phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.

dinh-van-phuc.png
Đình làng Vạn Phúc

Vạn Phúc là một địa danh nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền, đây còn là nơi sớm có phong trào cách mạng, là cơ sở vững vàng tin cậy của Đảng. Hơn thế nữa, nơi đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống trong đó có ngôi đình và ngôi chùa làng. Ngôi đình thờ Ả Lã Nàng Đê, được coi như một vị tổ nghề dệt làm thành hoàng làng.

Căn cứ vào cuốn thần phả và các đạo sắc phong hiện còn lưu giữ được tại đình, thì vị thần được thờ ở đình vốn dòng dõi vua Hùng, người đã có công dạy nghề dệt cho dân làng. Truyền rằng: Khi nước ta còn nội thuộc nhà Đường, ở phương Bắc quốc tại châu Tự Long, đạo Tuyên Quang có một gia đình dòng dõi vua Hùng. Ngày 10/8 năm Ất Tỵ, bà sinh một người con gái mặt hoa da phấn thông minh tài trí. Ông bà vô cùng yêu quý, bèn đặt tên cho là Ả Lã. Bấy giờ, Đô hộ sứ Cao Biền rất ngưỡng mộ danh tiếng của nàng, bèn tìm đến kết mối nhân duyên. Ông bà Hùng Thuỵ vui vẻ chấp thuận, sau đó Cao Biền đưa bà Ả Lã về phủ trị ở La Thành, phong làm Nga Hoàng đệ nhị cung phi. Vốn là một vị tướng thông làu kinh sử, giỏi phong thuỷ, Cao Biền nhìn thấy thế đất địa linh liền cho thuyền ghé vào trang Vạn Bảo (nay là làng Vạn Phúc), lại thấy một ngôi chùa nhỏ, 2 bên cạnh chùa có hai giếng nước trong, nước xanh như ngọc, Cao Biền liền thốt lên: khí thiêng nuôi rồng xanh. Bà Ả Lã Đê Nương thấy quang cảnh mới lạ, phong tục thuần hậu bà bèn xin với chồng ở lại nơi đây dạy cho dân làng biết cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trồng lúa ngô khoai... Bà thật là người có công lớn với dân Vạn Bảo. Một hôm, bà ngồi ở hành cung, bỗng thấy giữa sông nổi lên một thuyền rồng gồm toàn là ba ba, kình, ngư bơi ra, bỗng nhiên trời đất tối sầm, gió mưa dữ dội, bà bước xuống thuyền rồng rồi hoá ngày 25 tháng chạp.

Đình Vạn Phúc toạ lạc giữa làng nhìn về hướng tây, được xây dựng theo hình chữ “quốc”. Đình có một bố cục tương đối đặc biệt, chạy dọc theo chiều sâu, từ ngoài cổng vào thấy trước mắt là hồ nước hình chữ nhật chia lối vào đình thành 2 cánh cong. Thời Hậu Lê đình Vạn Phúc được tu sửa lần một, đến năm Tự Đức 33 (1880) dân làng Vạn Phúc góp công góp của xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn nhưng vẫn giữ được dáng vẻ thời kỳ đầu khởi dựng. Ao đình được làm hình chữ nhật. Nghi môn xây dựng theo hình thức trụ biểu với 3 lối đi. Phương đình là không gian rộng nhất có mặt bằng hình vuông diện tích 100m2 với 4 hàng chân cột, chia làm 3 gian với 2 tầng 8 mái đao cong. Ở tầng trên, chính giữa của bờ nóc là một trụ hình quả hồ lô, chỗ gấp khúc của bờ dải là hai con nghê chầu, các đầu đao được đắp rồng và hình hoa lá cách điệu. Tầng dưới, đầu đao được đắp 4 con rồng chầu vào trung tâm của nhà. Vào bên trong, các vì nóc của bộ vì có kết cấu kiểu “chồng rường”. Đặc biệt toàn bộ hệ thống kết cấu gỗ toà Phương đình được sơn son thếp vàng và dát bạc, các cột cái còn được vẽ hình rồng, mây ôm quanh cột. Nối giữa Phương đình và Hậu cung là Trung cung. Trung cung với ý nghĩa tạo không gian kín cho ngôi đình để tiện việc hành lễ, chiêm bái, tránh được mưa nắng. Trung cung đình Vạn Phúc là 3 gian nhà ngang có chiều dài bằng toà Hậu cung, với 4 bộ vì uốn cong theo kiểu hình mai rùa, mang sắc thái kiến trúc của cung đình Huế. Trung cung nhỏ hẹp nhưng thông thoáng vì không có tường. Các bộ vì uốn cong mình đứng trên hai cột vuông xây bằng gạch chỉ. Trung cung đẹp vì mái cong mai rùa hình khum khum như bầu trời và 4 bộ vì xinh xắn, song hành từng đôi một đăng đối nhau, hai bộ vì giữa được chạm nổi, chạm lộng. Chính giữa là một hổ phù ngậm chữ thọ, hai bên là hoa lá cách điệu và triện tàu lá giắt. Hai bộ vì áp sát hồi được chạm tích tứ quý. Tiếp giáp phía sau Trung cung là Hậu cung, đây là chốn thâm nghiêm, là nơi có không gian lớn thứ hai sau Phương đình. Hậu cung đình Vạn Phúc là 3 gian nhà dọc, được làm theo kiểu tiền đạo, hậu đốc, hai tầng 4 mái lợp ngói ri. Vào bên trong, Hậu cung được chia thành 2 phần gồm phần hiện và phần cung cấm thờ thánh. Phần hiên Hậu cung được làm khá rộng, có bày một hương án gỗ chạm cùng một số đồ thờ như bát hương gốm Thổ Hà, cây thiên mệnh, hoành phi... Trong cung cấm Hậu cung được làm 3 gian nhà dọc có sàn kiểu thượng cung, tương ứng với 3 gian là 4 bộ vì đỡ mái được làm tương tự nhau, phần thượng được làm kiểu “giá chiêng chồng rường”, phần hạ được làm kiểu “kèo kẻ” đơn giản.

Chạy dọc suốt từ Phương đình đến Hậu cung ở về hai phía là hai dãy Tả hữu mạc, mỗi bên 10 gian. 3 gian phía trong cùng còn giữ được nguyên vẹn kết cấu của đình cũ thời Lê, 7 gian phía ngoài được tu sửa ở thời Nguyễn - là nơi để 14 giáp hội họp ngày làng có tiệc. Hai bên của Tả hữu mạc, đăng đối nhau là các câu đối thể hiện tài văn chương của 14 giáp mong cầu mong dân khang vật thịnh.

Với giá trị đã nêu ở trên, đình Vạn Phúc đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)